Chật vật vì thủ tục xác nhận
Những ngày qua, gia đình anh N.V.Y (SN 1986), T.N.Đ (SN 1998) và nhiều công nhân khác ở xã Hương Gián, huyện Yên Dũng rơi vào tình trạng “mất ăn mất ngủ”, vì việc xác nhận thực trạng nhà ở , để hoàn thiện hồ sơ mua nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang .
Cụ thể, Thông tư 09/2021 của Bộ Xây dựng quy định, UBND cấp xã nơi có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên, thực hiện xác nhận về thực trạng nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở, đất ở theo Mẫu số 3, Mẫu số 4 tại Phụ lục I ban hành kèm theo thông tư.
Trong đó, UBND cấp xã phải xác nhận về tình trạng nhà ở của hộ gia đình hiện nay thuộc một trong các trường hợp sau: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ; có nhà nhưng chật chội, diện tích bình quân dưới 10m2 sàn/người… Tuy nhiên, dù đã "năm lần bảy lượt" đến UBND xã Hương Gián làm thủ tục, anh Y và nhiều người vẫn phải ra về trong thất vọng .
Trả lời về việc này, bà Chu Thị Lưu, cán bộ địa chính xã Hương Gián cho biết: Xã không thể xác nhận thực trạng nhà ở theo Mẫu số 3 theo nội dung “Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình”.
Theo bà Lưu, chẳng có hộ gia đình nào không có nhà ở. Chỉ có trường hợp có nhà ở, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu thôi.
Bà Chu Thị Lưu, cán bộ địa chính xã Hương Gián (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) cho biết, xã không thể xác nhận thực trạng nhà ở theo Mẫu số 3 cho nhiều công nhân, người dân muốn mua NƠXH, vì xã không biết làm thế nào.
Theo vị cán bộ xã vấn đề này nếu muốn tranh cãi thì gặp lãnh đạo. "Lãnh đạo phụ trách mảng này nhưng nay đi họp rồi. Tôi giải thích như thế anh không chấp nhận thì thôi, vì tôi có trình lên thì lãnh đạo cũng không ký. Tôi không có cách nào để hướng dẫn về việc này”, bà Lưu nói.
Khi anh Y giải thích rằng, cả anh với anh trai đều đã lập gia đình, riêng anh làm công nhân tại KCN Vân Trung đã nhiều năm và có tới 3 người con, nhưng vẫn đang cùng sống nhờ trong căn nhà chật chội , do bố anh Y đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Do đó, căn nhà này thuộc sở hữu của bố anh Y, chứ bản thân anh chưa có nhà ở.
Nghe vậy, bà Lưu yêu cầu người nhà anh Y mang "sổ đỏ" đến để kiểm tra. Sau đó, bà Lưu cho biết, trong sổ ghi tên là hộ gia đình do bố anh Y đứng tên. Do đó, đương nhiên anh Y không thể thuộc trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình.
Theo vị cán bộ địa chính xã Hương Gián , mẫu xác nhận thực trạng nhà ở của Bộ Xây dựng gây khó khăn cho địa phương, vì Bộ chỉ quy định chứ không có thông tư hướng dẫn. Vì vậy, xã không thể xác nhận thực trạng nhà ở cho công nhân muốn mua NƠXH.
Sau đó, anh Y tìm đến bộ phận một cửa của Công an xã Hương Gián nhờ tư vấn. Tại đây, người phụ trách bộ phận một cửa cho biết, trong trường hợp này UBND xã có thể xác nhận công dân Y đang ở nhờ nhà bố ruột, chưa có nhà riêng. Và việc này địa chính xã hoàn toàn có thể làm được.
Nghe vậy, anh Y và nhiều người dân lại tìm đến bà Chu Thị Lưu, cán bộ địa chính xã Hương Gián để nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, bà Lưu từ chối và cho biết, không chỉ anh Y mà có rất nhiều trường hợp tương tự, nhưng UBND xã không biết làm thế nào vì chưa có tiền lệ…
Chuyên gia chỉ ra nhiều bất cập
Luật sư Hoàng Tuấn Vũ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, những trường hợp thuộc đối tượng được mua NƠXH quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014, phải đáp ứng đủ 3 điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập. Trong 3 điều kiện này, điều kiện về nhà ở bộc lộ bất cập lớn nhất.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 22 Nghị định 100/2015 (được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định 49/2021) thì phần lớn các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH phải có xác nhận về thực trạng nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở, đất ở của UBND cấp xã nơi có đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú từ một năm trở lên nếu có thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc trung ương khác.
Tuy nhiên, theo Điều 4 Nghị định số 43/2014 thì UBND cấp xã không phải là cơ quan quản lý đất đai . Bởi theo quy định về phân cấp quản lý hồ sơ địa chính được quy định tại Điều 29 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT thì UBND cấp xã chỉ quản lý hồ sơ địa chính dạng giấy (bản sao bản đồ địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê đất đai, sổ tiếp nhận và trả kết quả đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) đối với các trường hợp nộp hồ sơ đăng ký tại UBND xã.
Thế nhưng, trên thực tế, ngày càng nhiều người nộp hồ sơ đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai , thay vì nộp tại UBND cấp xã. Như vậy, hồ sơ địa chính dạng số thì UBND cấp xã không được quản lý, hồ sơ địa chính dạng giấy thì bị hạn chế, phụ thuộc. Vậy, hồ sơ thì không có, dữ liệu thì thiếu, nên UBND cấp xã không có căn cứ để xác nhận cho người dân.
Do đó, không chỉ UBND xã Hương Gián mà rất nhiều địa phương khác không thực hiện xác nhận theo Mẫu số 3 vì cho rằng, UBND cấp xã chỉ xác nhận đương sự có sở hữu nhà hay không, tại căn nhà cụ thể đang đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn do UBND cấp xã quản lý.
Thậm chí, có xã còn thẳng thắn thừa nhận, nếu người dân có các căn nhà khác ở những địa chỉ khác không dùng để đăng ký thường trú, tạm trú thì xã cũng không nắm được vì không có hồ sơ quản lý. Cá biệt, có xã chỉ xác nhận chữ ký hoặc chỉ xác nhận người dân tự cam kết và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, dẫn đến việc những người như anh Y không thể mua được NƠXH dù thuộc đối tượng được mua.
Vậy là, giấc mơ có NƠXH của anh Y, và hàng nghìn công nhân khác trên địa bàn Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung chưa thể thành hiện thực, vì thủ tục quá rắc rối và cũng không có hướng giải quyết cụ thể từ chính quyền địa phương, cũng như các cấp bộ, ngành có liên quan…
Theo nhiều chuyên gia và người dân, các vướng mắc, khó khăn liên quan đến quỹ đất sạch, nguồn vốn ưu đãi và thể chế, chính sách, nhất là thủ tục xác minh thực trạng nhà ở cho đối tượng đủ điều kiện mua NƠXH còn quá phức tạp, rườm rà, gây cản trở quá trình thực hiện mục tiêu về NƠXH hiện nay.