Kỹ năng sống

"Lột" sạch tiền chồng - kiểu bạo hành ưa thích của nhiều bà vợ Việt

Lâu nay nói về bạo lực gia đình, người ta luôn nghĩ nạn nhân là phụ nữ. Hành vi bạo hành cũng luôn được hình dung là đánh đập, gây tổn thương về mặt thể chất. Chính vì vậy, thông tin ngày càng nhiều đàn ông Việt Nam bị bạo lực gia đình mà Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội tiết lộ cách đây hơn một tuần khiến nhiều người ngạc nhiên.

Trên thực tế, đàn ông trong nhiều gia đình Việt Nam đã bị bạo lực về kinh tế từ lâu rồi.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 định nghĩa, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác. Hành vi bạo lực gia đình được chia thành các nhóm bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục.

Trong số các hành vi bạo lực gia đình về kinh tế được ghi trong luật có hành vi “kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác”. Sự lệ thuộc này chính xác là điều mà nhiều bà vợ hướng đến khi bắt chồng nộp hết lương, thưởng hay các khoản thu nhập khác mà họ biết được. Đồng nào chồng giấu giếm không đưa đều bị coi là quỹ đen.

“Anh cần gì chỉ cần nói là em đưa” , các bà thường ngon ngọt dỗ chồng như vậy, nhưng thực tế thì như các ông than thở, “vợ là cái nhà băng mà đưa tiền vào thì dễ, rút ra cực khó”. Nhiều chị em giữ thu nhập của chồng không chỉ vì sợ thất thoát, mà còn để kiểm soát hành vi của anh ta, vì không có tiền trong tay sẽ không thể muốn gì làm nấy, không thể bồ bịch, đàn đúm, chơi bời hư hỏng.

Không quý ông nào cam lòng để mất tự do như vậy, nên cái gọi là quỹ đen ra đời. Họ dùng quỹ này để có thể uống với bạn bè, đồng nghiệp vài cốc bia, có thể mua quà “nuôi” những mối quan hệ mà nếu đề xuất với vợ thì khoản chi này sẽ không được duyệt, hay thỉnh thoảng biếu bố mẹ, cho anh chị em ruột…

Có điều, nhiều bà vợ rất cao tay, hầu như khoản quỹ đen nào của chồng sớm muộn cũng bị phát hiện, tịch thu bằng sạch. Mỗi lần như thế, ông chồng không chỉ bị “bần cùng hóa” mà còn phải chịu một trận bạo lực ngôn từ tối tăm mặt mũi.

Có bà vợ tìm đến chuyên gia tâm lý, chuyên gia tư vấn về hôn nhân than vãn rằng mình toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, phục vụ chồng tận răng, từ đôi tất hay cái quần đùi chồng đều không phải tự mua, ấy vậy mà anh ta còn đổ đốn chán vợ, đòi ly dị. Nhà tư vấn hỏi chuyện thật kỹ mới biết, hóa ra anh chồng mới là nạn nhân, bị vợ kiểm soát tiền bạc đến mức “không thở nổi”, lâu dần thành ám ảnh sợ hãi, chỉ muốn ly hôn để thoát khỏi sự “cai trị” đầy độc đoán của vợ.

'Lột' sạch tiền chồng - kiểu bạo hành ưa thích của nhiều bà vợ Việt- Ảnh 1.

Đàn ông cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. (Ảnh minh họa: Newsweek)

Một kiểu bạo lực gia đình khác liên quan đến kinh tế mà rất nhiều đàn ông Việt đang phải chịu, đó là bị đay nghiến, xúc phạm thường xuyên vì không kiếm được nhiều tiền như chồng nhà người ta. Bất tài, vô dụng, lười biếng, không có chí tiến thủ… là những tính từ mà họ bị vợ “ném” vào mặt hết ngày này qua ngày khác, đến mức cảm thấy lòng tự trọng, tự tôn của mình đã hạ đến đáy.

Một cô bạn của tôi đã nhọc lòng nhờ vả khắp nơi để kiếm cho ông xã công việc mới tốt hơn, nghĩa là có khả năng đem lại thu nhập cao hơn. “Tôi tốn khá nhiều tiền quà cáp để xin cho chồng công việc đó, nhưng anh ấy chẳng những không cảm kích mà còn tỏ thái độ thù địch, đi làm không chú tâm, được nửa năm thì bỏ, khiến tôi muối mặt với người ta”, cô bạn kể, cực kỳ thất vọng về chồng, và càng thất vọng, giận dữ hơn khi một thời gian sau, gia đình chồng phát hiện anh ấy bị trầm cảm.

“Tôi vất vả chèo chống gia đình như thế, không trầm cảm thì thôi, anh ta đã chẳng được tích sự gì, không thèm cố gắng, vậy mà còn dám trầm cảm”, bạn tôi rất phẫn uất. Nhưng trước sức ép của gia đình, cô đành cùng anh đến chuyên gia tâm lý và từ đó nhận ra mình cũng có cái sai.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 coi việc cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ cũng là bạo lực gia đình. Bạn tôi chưa đến mức như vậy, nhưng việc cô ấy ngày ngày càm ràm, chê bôi, hạ thấp, thúc ép chồng cũng là một thứ bạo lực có sức tàn phá tinh thần ghê gớm.

Có lẽ nhiều phụ nữ sẽ cảm thấy tức giận, thấy bất công khi phải nhìn nhận thực tế mình là người bạo lực gia đình, vì cho rằng những gì họ làm đều là muốn tốt cho mái ấm, rằng bản thân cũng rất vất vả, mệt mỏi. Mặt khác, việc định vị đàn ông là phái mạnh khiến chị em không nghĩ rằng họ cũng có thể bị tổn thương.

Bản thân nam giới cũng bị trói buộc bởi định kiến này nên thường cố gắng chịu đựng, không dám chia sẻ với ai. Nhưng càng cố gắng cứng cỏi để đáp lại sự kỳ vọng, một khi quá tải, sự suy sụp càng lớn.

Phòng chống bạo lực gia đình, đã đến lúc cần tác động đến cả hai giới.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm