Theo đó, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 13.269 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023. Với mức lợi nhuận này, Agribank đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng ngân hàng lãi lớn nhất, sau MB, BIDV, Techcombank và Vietcombank.
Nguyên nhân giảm chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tăng 24,5% lên 11.048 tỷ đồng. Trong khi đó, hầu hết các mảng kinh doanh của Agribank có kết quả khả quan.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần Agribank trong nửa đầu năm 2024 đạt hơn 30.800 tỷ đồng, tăng 3,8%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 12,9%, đạt 2.775 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 60%, đạt 2.029 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán bị lỗ, nhưng không lớn (lỗ hơn 55 tỷ đồng). Lãi từ hoạt động khác tăng 22%, đạt 3.111 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm của Agribank là 38.693 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 5% lên 14.375 tỷ đồng.
Cuối tháng 6/2024, tổng tài sản Agribank hợp nhất là hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,6% lên hơn 1,59 triệu tỷ đồng. Về chất lượng dư nợ, Agribank ghi nhận 29.276 tỷ đồng nợ xấu, tăng 1,9% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay biến động nhẹ, từ 1,85% xuống 1,84%.
Tiền gửi khách hàng tại Agribank đạt hơn 1,83 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm. Theo đó, Agribank vẫn là ngân hàng có nhiều tiền gửi nhất Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn còn thấp; phần lớn tiền gửi có kỳ hạn, chiếm đến 88,7%.