Trước khi trang trí mong chờ bao nhiêu thì khi dùng lại càng thấy hối hận bấy nhiêu - đó là trường hợp mà chắc hẳn nhiều người đều cảm thấy như vậy mỗi khi sắm đồ mới decor nhà. Thứ thì tích thêm bụi, thứ chả mấy khi dùng, nhiều cái thấy đẹp nhưng lại không hề hữu ích như tưởng tượng. Bạn xem có đúng không?
1. Rèm cầu vồng
Rèm cầu vồng quá quen thuộc, nhiều người còn dùng như 1 món đồ "chữa lành", ngày đón nắng nhẹ, tối đón ánh đèn vàng xuyên qua rèm. Món đồ này cũng linh hoạt, dễ dàng kéo lên kéo xuống để dùng.
Nhưng sau 1 thời gian lắp trong nhà, rất có thể bạn sẽ hối hận. Vấn đề đầu tiên là đọng quá nhiều bụi nhưng rất khó làm sạch. Kiểu rèm rất cồng kềnh, khó gột rửa, mà lau từng thanh ngang thì cực tốn thời gian.
Đó là chưa kể nếu bạn lỡ lắp trong phòng ngủ thì ánh sáng dễ dàng lọt vào phòng. Như vậy rất khó để vào giấc, mà có ngủ thì cũng chập chờn, không sâu.
Còn nếu lắp rèm cầu vồng trong nhà bếp thì chỉ sau vài tháng, bạn sẽ thấy tấm rèm được phủ 1 lớp dầu dày rất khó để làm sạch lại như cũ.
Nếu bạn lắp trong phòng tắm thì mỗi lần đi vệ sinh hoặc tắm, bạn phải hạ rèm xuống, dùng xong lại kéo lên. Mặt khác, kiểu rèm này vẫn có kẽ hở nên không hề đảm bảo sự riêng tư. Tóm lại, dù lắp ở đâu thì sau 1 thời gian, bạn sẽ nhận thấy sự bất tiện.
2. Lắp rèm tự động ở phòng khách, rèm kéo thủ công ở phòng ngủ
Nhiều người lắp rèm cửa tự động ở phòng khách để phần nào thể hiện sự đẳng cấp, tiện nghi của ngôi nhà mình đang ở, còn với phòng ngủ riêng tư thì lắp rèm kéo thủ công là đủ.
Suy nghĩ này không sai nhưng sau 1 thời gian mới thấy bất tiện, thứ bạn cần làm là tráo lại vị trí rèm. Rèm ở phòng khách thường rất ít khi cần kéo vào, còn rèm trong phòng ngủ lại đóng mở hàng ngày vào buổi sáng và buổi tối. Vậy nên thứ tự ưu tiên là lắp rèm tự động vào phòng ngủ, với phòng khách thì chọn 1 bộ rèm đẹp là được.
3. Thanh chống cửa tủ
Xu hướng dùng tủ không tay nắm trong nội thất đang được ưa chuộng, nhiều người thay tay nắm tủ bằng một chiếc thanh chống cửa tủ - được xem như bộ bật vô hình. Tuy nhiên, ai đã từng sử dụng món đồ này đều biết rằng tuổi thọ sử dụng của loại này ngắn và cửa tủ khó đóng, rất khó chịu.
Nếu thấy tay nắm cửa tủ mất thẩm mỹ, bạn có thể thiết kế tay nắm rãnh cho cửa. Cách này sẽ giúp bạn dễ mở tủ hơn mà vẫn có 1 chiếc tủ trendy.
4. Lắp lưới cho cửa
Thiết kế này cũng quá quen thuộc, nhiều gia đình lựa chọn để có thể mở cửa nhiều hơn, mang lại sự thông thoáng, nhất là với những nhà có trẻ em và thú cưng.
Nhưng mộy thời gian "chung sống", bạn sẽ thấy tấm lưới này không thông gió mấy, đồng thời ảnh hưởng đến ánh sáng chiếu vào nhà ở một mức độ nhất định.
Thành thật mà nói, nếu chỉ xét đến sự an toàn mà bỏ qua chức năng cơ bản nhất của cửa sổ thì thật không đáng.
5. Lắp đèn chùm trên bồn rửa
Lắp đèn chùm trên bồn rửa - trông thật ấm cúng, đẹp, có gu và cũng giúp khu vực dọn rửa sáng sủa hơn. Tuy nhiên, vì nhà bếp là nơi có nhiều khói dầu nên chỉ cần một vết dầu bám vào bề mặt đèn chùm là đã phải lau chùi.
Vì vậy, cách tốt nhất là lắp đèn chiếu âm trần phía trên bồn rửa - không chỉ đáp ứng nhu cầu chiếu sáng mà còn hợp vệ sinh, không lo đèn dễ bị bám bẩn.
6. Bàn đỡ bồn rửa mặt
So với tủ phòng tắm âm tường thông thường, bàn đỡ bồn rửa mặt âm tường được nhiều bạn trẻ ưa chuộng vì hình dáng hiện đại, sang xịn mịn.
Dù bề ngoài trông rất tinh tế và đẹp mắt nhưng sau khi sử dụng, chỉ riêng vết nước trên mặt bàn cũng có thể khiến người ta phát điên vì bẩn. Càng để lâu, không có thời gian dọn dẹp thì xung quanh bồn sẽ bị mốc, bám bẩn kém thẩm mỹ.
7. Thiết kế phòng của ông bà thiếu ánh sáng
Mặc dù việc thiết kế phòng không có đèn chính đang trở nên phổ biến nhưng nếu áp dụng cho phòng của người già trong nhà thì không hề phù hợp.
Cứ nghĩ dùng đèn nhỏ, đèn vàng le lói sẽ tạo không khí dễ chịu nhưng thị lực của ông bà không tốt, ánh sáng yếu sẽ khiến họ thấy bất tiện, nhìn đâu cũng mờ ảo.
Vậy nên với phòng của người già, lắp một chiếc đèn trần bình thường là đủ. Càng đơn giản thì càng thiết thực.