Chứng khoán

Ủy ban chứng khoán cảnh báo rủi ro về cổ phiếu bị hủy niêm yết

Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban chứng khoán) vừa có một số lưu ý tới việc đầu tư các cổ phiếu bị hủy niêm yết. Để tránh những rủi ro thất thoát vốn, cơ quan quản lý đề nghị nhà đầu tư cần nắm rõ những quy định liên quan tới việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu.

Trong đó, hủy niêm yết bắt buộc góp phần tạo môi trường công bằng, minh bạch. "Chỉ những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, tuân thủ quy định pháp luật mới có thể niêm yết chứng khoán lâu dài trên thị trường", Vụ Phát triển thị trường chứng khoán nhận xét.

Không riêng Việt Nam, các thị trường phát triển đều có các tiêu chí rà soát để hủy niêm yết các doanh nghiệp yếu kém, không đáp ứng đủ điều kiện. Thị trường KOSPI của Hàn Quốc đưa ra 11 bộ tiêu chí xem xét việc hủy niêm yết bắt buộc, thị trường Nhật Bản cũng có 6 nhóm tiêu chí xem xét vấn đề này.

Cơ quan quản lý đề nghị nhà đầu tư trang bị kiến thức, hiểu biết thị trường, nền tảng tài chính và triển vọng của doanh nghiệp trước khi đầu tư vào những mã này.

"Nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu, xem xét khả năng tuân thủ quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật chứng khoán nói riêng của doanh nghiệp đó, đồng thời cần lưu ý sự tuân thủ pháp luật của những người điều hành doanh nghiệp", Ủy ban chứng khoán khuyến nghị.

Theo quy định, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc vẫn có thể giao dịch trên thị trường UPCoM. Biên độ giao dịch của thị trường này (15%) cao hơn gấp đôi HoSE (7%). Những mã này cần tối thiểu hai năm giao dịch trên UPCoM, trước khi đăng ký niêm yết lại trên Sở giao dịch nếu đáp ứng các điều kiện niêm yết.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo hủy niêm yết bắt buộc hai cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và HNG của Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, từ ngày 6/9.

Nguyên nhân của hai trường hợp đều đến từ kết quả kinh doanh bết bát những năm qua. Với HBC, lỗ lũy kế hợp nhất tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng. Công ty này lỗ hai năm liền trước khi thị trường bất động sản "đóng băng" khiến nguồn thu giảm sút, nợ khó đòi dâng cao tạo gánh nặng trích lập dự phòng. Song song đó, thượng tầng công ty lại xảy ra cuộc "nội chiến".

Còn HNG đã kinh doanh thua lỗ trong ba năm liên tục với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021, 2022 và 2023 về mức âm lần lượt là hơn 1.119 tỷ, 3.576 tỷ và 1.098 tỷ đồng.

Cổ phiếu hai doanh nghiệp này ngay lập tức biến động mạnh. Phiên giao dịch đầu tiên sau khi HoSE công bố thông tin, HBC và HNG đều bị bán tháo.

Cổ phiếu HBC giảm liên tiếp nhiều phiên với áp lực bán chiếm áp đảo. Sau hơn nửa tháng, thị giá mã này mất hơn 30%, giảm từ 7.250 đồng về dưới 5.000 đồng. Mã HNG cũng có thời điểm giảm hơn 20%, nhưng phục hồi trở lại những phiên gần đây. Thị giá cổ phiếu này hiện ở mức 4.390 đồng, cao hơn giá đóng cửa phiên 29/7 - phiên giao dịch đầu tiên sau tin hủy niêm yết.

Trong công văn phúc đáp HoSE, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nói không đồng ý các căn cứ xem xét hủy niêm yết bắt buộc mà cơ quan này áp dụng với cổ phiếu của họ.

Trong khi đó, nói với cổ đông hồi đầu năm, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị HNG - cho biết từng lường trước kịch bản bị hủy niêm yết, nhưng điều này không đáng lo ngại. Ông Dương khẳng định dù chuyển sàn, công ty vẫn công bố thông tin minh bạch và nếu thực hiện tốt, giá cổ phiếu vẫn có thể cải thiện.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm