Bình giữ nhiệt là vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, theo Aboluowang, không phải thứ gì cũng có thể cho vào bình giữ nhiệt. Một số loại đồ uống, thực phẩm nếu đựng sai cách không chỉ ảnh hưởng đến tuổi thọ của bình mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe.
Dưới đây là 7 loại nước tuyệt đối không nên đựng trong bình giữ nhiệt, theo các chuyên gia sức khỏe:
1. Nước ngọt có gas

Các loại nước có gas gây áp suất cao trong bình giữ nhiệt (Ảnh: Getty).
Các loại nước ngọt có gas chứa khí CO₂. Khi đựng trong môi trường kín như bình giữ nhiệt, khí gas có thể gây áp suất cao, khiến nắp bật tung bất ngờ. Không chỉ gây nguy hiểm, axit trong nước ngọt còn ăn mòn lớp inox bên trong, nhiễm kim loại nặng vào nước uống.
2. Nước chanh, nước cam, các loại nước chua
Axit citric trong các loại nước trái cây có tính chua sẽ phản ứng với lớp inox, làm bình nhanh hỏng, tạo mùi lạ và có thể giải phóng chất có hại cho cơ thể. Tốt nhất nên đựng trong chai thủy tinh.
3. Thuốc đông y

Không nên đựng các loại thuốc đông y trong bình giữ nhiệt (Ảnh: Getty).
Nhiều người có thói quen giữ ấm thuốc bằng bình giữ nhiệt. Tuy nhiên, trong thuốc bắc có nhiều hợp chất hữu cơ, kiềm, axit dễ phản ứng với kim loại. Việc này có thể làm biến đổi hoạt chất, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra, thuốc có mùi nồng dễ bám mùi, gây khó chịu khi dùng cho mục đích khác.
4. Các loại canh, súp, đồ ăn nhiều dầu mỡ
Dù tiện lợi, nhưng đựng canh, súp trong bình giữ nhiệt lâu dễ làm sản sinh vi khuẩn, nhất là nếu có thịt, cá. Ngoài ra, dầu mỡ dễ làm vòng cao su ở nắp bình mốc, đổi màu và khó vệ sinh.
5. Nước vừa đun sôi 100 độ C
Nghe có vẻ lạ, nhưng nước sôi 100⁰C lại không phù hợp để đổ ngay vào bình giữ nhiệt. Nhiệt độ quá cao có thể tạo ra áp suất lớn bên trong, dễ gây bỏng khi mở nắp. Ngoài ra, hơi nước nóng có thể làm oxy hóa lớp inox nhanh hơn. Lý tưởng nhất là để nước nguội xuống khoảng 80⁰C rồi mới rót vào bình.
6. Rượu bia
Dù một số người muốn "giấu rượu" trong bình giữ nhiệt, nhưng rượu - nhất là rượu mạnh - có thể phản ứng với lớp kim loại, gây nhiễm kim loại vào đồ uống. Ngoài ra, nồng độ cồn cao dễ làm hỏng lớp bảo vệ bên trong bình.
7. Cà phê, trà đặc
Cà phê và trà đều chứa tannin - một loại chất có thể phản ứng với kim loại, làm biến đổi hương vị, tạo cảm giác "đắng nghét" như thuốc. Ngoài ra, sắc tố trong cà phê, trà dễ bám màu vào thành bình, gây ố vàng, mất thẩm mỹ và khó vệ sinh.