Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y tế công cộng Lancet hồi tháng 1/2021, số người mắc chứng sa sút trí tuệ sẽ tăng lên gần 153 triệu người vào năm 2050. Các triệu chứng chính của sa sút trí tuệ là vấn đề về trí nhớ, mất chức năng nhận thức, thay đổi tính cách... Ở mức độ nghiêm trọng, người bị sa sút trí tuệ có thể phải sống phụ thuộc vào người khác do không thể kiểm soát chức năng cơ thể.
Chuyên gia cho biết nguy cơ số một của chứng sa sút trí tuệ (bao gồm Alzheimer) là lão hoá. Tuy nhiên, một số thói quen không lành mạnh khác cũng có thể khiến chứng sa sút trí tuệ ập đến nhanh hơn.
1. Ngủ không đủ giấc
Nghiên cứu năm 2021 của Viện nghiên cứu Inserm và University College London xem xét tác động của giấc ngủ đến sự khởi phát chứng sa sút trí tuệ, thực hiện trên 8.000 người ở tuổi 50.
Kết quả, người ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc Alzheimer (bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi) cao hơn 30% so với người thường xuyên ngủ trung bình từ 7 tiếng mỗi đêm. Các bác sĩ nói rằng, chỉ cần ngủ thêm một giờ mỗi đêm cũng có thể tạo ra sự khác biệt khi não bộ hoàn thành công việc cần thiết của nó.
Ngủ không đủ giấc có thể tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Ảnh: Pinterest.
Theo Tiến sĩ Chelsie Rohrscheib, nhà khoa học thần kinh và chuyên gia giấc ngủ, bộ não và cơ thể trải qua nhiều chức năng sinh học thiết yếu chỉ xảy ra trong khi ngủ, bao gồm việc loại bỏ chất thải độc hại tích tụ trong não.
Sự tích tụ của một loại chất thải não cụ thể được gọi là beta-amyloid, được cho là nguyên nhân chính gây nên Alzheimer. Hầu hết việc loại bỏ beta-amyloid xảy ra trong giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ. Khi giấc ngủ bị hạn chế dưới 7 giờ, não có ít thời gian hơn để loại bỏ beta-amyloid, dẫn đến tích tụ mức độ độc hại và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.
2. Tiêu thụ nhiều thực phẩm không lành mạnh
Nghiên cứu của Australian Catholic University, xuất bản trên Science Direct, cho thấy phụ nữ tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt có nhiều beta-amyloid trong não hơn, so với người có chế độ ăn ít chất béo, giàu chất béo lành mạnh hoặc chế độ ăn Địa Trung Hải.
Mặt khác, chuyên gia dinh dưỡng Molly Robinson cho biết: "Việc tiêu thụ nhiều muối, thực phẩm đóng gói hoặc chế biến sẵn góp phần tăng huyết áp". Theo thời gian, huyết áp tăng không được kiểm soát có thể làm hỏng các mạch máu trong não, ảnh hưởng đến tư duy và trí nhớ.
Việc uống nhiều rượu cũng là yếu tố gây tăng huyết áp, dẫn đến chứng sa sút trí nhớ và đột quỵ.
Bộ não cần loại chất béo Omega-3, được tìm thấy trong cá, hạt lanh và một số loại dầu. Ảnh: Getty.
3. Không tập thể dục, hoạt động trí óc
"Không tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ phát triển Alzheimer và sa sút trí tuệ", Tiến sĩ Todd Buckingham, nhà sinh lý học cho biết.
Tập thể dục hàng ngày giúp thúc đẩy tính dẻo dai của não và cải thiện trí nhớ. Nó cũng làm tăng lưu lượng máu đến não. Các chất hoá học được giải phóng trong quá trình hoạt động thể chất cũng giảm nguy cơ mắc Alzheimer.
Các hoạt động như aerobic, đi bộ hoặc đạp xe 3-4 lần/tuần được chứng minh là có lợi cho sức khoẻ thể chất và tinh thần. Thời lượng hoạt động 30 phút mỗi ngày có tác động mạnh mẽ hơn nữa.
Hoạt động thể chất có tác động tích cực đến cơ thể. Ảnh: Financial Times.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người luôn hoạt động trí óc hay tham gia vào các hoạt động xã hội ít có khả năng mắc chứng Alzheimer. Đọc sách, học ngoại ngữ, chơi đàn... là những việc làm giúp cho trí óc hoạt động, không bị trì trệ.
Bên cạnh đó, việc tham gia vào các hoạt động xã hội giúp duy trì sự tích cực, đảm bảo sức khoẻ tinh thần.
4. Liên tục căng thẳng
Nghiên cứu năm 2021 cho thấy việc liên tục trải qua những đợt căng thẳng là yếu tố tác động đáng kể đến khả năng phát triển Alzheimer. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân là trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận, khu vực của não liên quan đến phản ứng căng thẳng. Khi trục này được kích hoạt nhiều lần, nó sẽ tạo ra chất độc thần kinh có thể khiến não bị thoái hoá.
Căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây nên chứng sa sút trí tuệ. Ảnh: The Economic Times.
5. Không kiểm soát bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu
Theo Molly Robinson, các mạch máu và dây thần kinh có thể chịu tổn thương do bệnh tiểu đường và lượng đường cao trong máu. Thiệt hại này không chỉ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ mà còn cả bệnh tim và đột quỵ.
Theo Eat This, Not That