Nghiên cứu của JobHopin - nền tảng tuyển dụng công nghệ AI đầu tiên tại Việt Nam - cho thấy cùng với sự nở rộ dự án metaverse là cơn khát về nhân lực có chuyên môn. Nhiều startup về metaverse sẵn sàng hỗ trợ phí đào tạo hoặc chi khoản tiền lớn để săn lùng người tài theo đúng nghĩa.
Ông Bùi Quang Tinh Tú, Giám đốc tăng trưởng của JobHopin, cho biết từ 2021 đến nay có hơn 4.000 vị trí cần tuyển thuộc lĩnh vực metaverse, blockchain, DeFi. Trong hai tháng qua, có đến 900 vị trí mới mở ra. Nguồn nhân sự hiện có trên thị trường chỉ đáp ứng 15-20% nhu cầu của doanh nghiệp.
Vì sao nhân sự metaverse khan hiếm?
Các chuyên gia trong ngành cho rằng nhân sự luôn là vấn đề đau đầu trong các ngành công nghệ cao, trong đó metaverse cũng không phải ngoại lệ. Hiện nay, đa số các chuyên gia, nghệ sĩ giỏi trong ngành có xu hướng làm thuê cho công ty lớn trên thế giới, khiến nhân sự metaverse đặc biệt khan hiếm tại Việt Nam.
Ông Trí Phạm, nhà sáng lập kiêm giám đốc Whydah, một trong những startup tiên phong xây dựng nền tảng metaverse mở, cho biết riêng trong mảng phát triển sản phẩm và dịch vụ metaverse, công ty cần hơn 50 nhân sự chuyên trách chủ chốt. So với nhu cầu thực tế vẫn thiếu hụt, ước tính cần thêm 3-4 lần lượng nhân lực hiện có và công ty phải chủ yếu dựa vào nguồn lực từ nước ngoài trở về.
"100% các vị trí lãnh đạo và hơn 50% nhân viên của công ty là những người đã sinh sống, học tập và làm việc nhiều năm tại nước ngoài", ông nói. Công ty thậm chí phải tìm đến cả những nguồn cung từ thị trường quốc tế với chi phí đắt đỏ.
Theo ông, nhân sự lĩnh vực metaverse có nhiều điểm tương đồng với ngành blockchain ở độ khan hiếm, sức nóng trong tuyển dụng. Người làm metaverse cần sự sáng tạo, trí tưởng tượng, mắt thẩm mỹ và kỹ năng để có thể hiện thực hoá những ý tưởng. "Nếu blockchain là sự kết hợp giữa công nghệ và tài chính, metaverse là nơi giao thoa của nghệ thuật, sáng tạo và blockchain. Lớp nhân sự cốt lõi trong metaverse là những người đầu ngành trong các lĩnh vực khác nhau", ông Trí nói.
Nhiều dự án metaverse tại Việt Nam xác nhận nguồn nhân lực hiện nay hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của ngành. Đây là vấn đề đã xảy ra với nhiều lĩnh vực công nghệ mới trước đây như AI, blockchain.
Ông Kevin Tùng Nguyễn, CEO & Founder của JobHopin, cho biết nhiều đối tác của công ty đang chạy đua để sớm ra mắt dự án, kéo theo nhu cầu tuyển dụng quy mô lớn. "Metaverse chính là tương lai, và tương lai này cần rất nhiều người giỏi. Cơn khát nhân sự vì đó luôn cần 'những cơn mưa người tài" để hạ nhiệt", ông nói.
Kỹ sư metaverse có thể tham gia xây dựng cả phần cứng VR, AR, IoT lẫn phần mềm như nền tảng Web 3.0, smart contract, ứng dụng di động/web. "Tại Việt Nam, bên cạnh một số ít những công ty có khả năng sản xuất phần cứng, đa số tập trung vào mảng phần mềm và thiết kế. Trong mảng gia công 3D, kỹ sư trong nước vẫn là một lựa chọn ưa thích của các nhà sản xuất game, metaverse lớn trên thế giới", ông Trí nhận định.
Ông cho rằng nhân sự trong lĩnh vực mới như metaverse vẫn sẽ vận động theo quy luật cung cầu và nguyên tắc đào thải. Cầu nhiều hơn cung sẽ thu hút thêm nhân lực từ các ngành khác thông qua mức lương cạnh tranh và cơ hội thăng tiến cũng như khám phá ngành mới.
Cơn khát nhân sự metaverse trên toàn cầu
Không chỉ ở Việt Nam, cuộc săn lùng nhân tài trong ngành metaverse còn diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Các dự án trong nước không chỉ phải tìm kiếm, đào tạo mà còn phải cạnh tranh trực tiếp với các dự án quốc tế để giữ chân kỹ sư.
Thepaper dẫn thống kê từ từ Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc hồi cuối tháng 2 cho thấy, số lượng đăng ký sáng chế về metaverse đã vượt 16.000 đơn, gần gấp đôi mức 8.534 đơn được ghi nhận hồi đầu năm. "Cơn bão metaverse" cũng kéo theo làn sóng tuyển dụng nhân sự rầm rộ trong lĩnh vực này.
Shan Gong, nhà nghiên cứu cấp cao tại BOSS Direct Hiring, nói với DoNews rằng từ khóa tuyển nhân sự metaverse ở Trung Quốc đã tăng chóng mặt kể cuối 2021. Mức lương cho nhân sự trong lĩnh vực này vào khoảng 10-30 nghìn nhân dân tệ (35-104 triệu đồng) một tháng, tuỳ vị trí chưa kể thưởng.
Cơn khát cũng đang càn quét khắp thung lũng Silicon. Dữ liệu từ LinkedIn cho thấy có ít nhất 40 người làm việc trong nhóm HoloLens rời Microsoft đầu quân cho Meta. Các "ông lớn" công nghệ cũng sẵn sàng vung tiền để "săn" nhân viên có kinh nghiệm phát triển kính thực tế ảo Hololens AR của Microsoft. Một số công ty thậm chí đưa ra mức lương cao gấp đôi để chiêu dụ nhân tài.
CEO Mark Zuckerberg cho biết khi Facebook đổi tên thành Meta, trong vòng một thập kỷ tới vũ trụ ảo sẽ có một tỷ người dùng, với hàng trăm tỷ USD được tạo ra cùng với hàng triệu việc làm cho các nhà sáng tạo, phát triển và kỹ sư.
Startup Việt giải quyết vấn đề nhân sự metaverse thế nào
"Chúng tôi nhận thấy đang có một làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ thu hút nhân sự từ các công ty công nghệ truyền thống, phi blockchain sang blockchain. Ngoài mức lương hấp dẫn, các nhân sự trong ngành còn nhận được nhiều phúc lợi riêng như sở hữu những đồng tiền mã hóa do chính công ty sáng lập và vận hành. Nếu các dự án này phát triển, giá trị đồng tiền mã hóa tăng lên, tổng phúc lợi nhận được lúc này là con số không hề nhỏ", đại diện JobHopin chia sẻ.
Các nhà phát triển dự án metaverse trong nước cho rằng việc đào tạo cho các mảng kỹ thuật, nghệ thuật, thẩm mỹ, và sáng tạo tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực này hiện quá mới để có một chương trình đào tạo quy củ.
Ông Trí cho rằng thiếu hụt nhân sự cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án có thể sụp đổ. Các dự án không có khả năng đào tạo đội ngũ kế thừa, dựa dẫm vào việc săn nhân tài của đối thủ để tăng trưởng nóng sẽ nhanh chóng cạn vốn khi thị trường điều chỉnh. Ngoài ra, khi hiếu người làm, sản phẩm và dịch vụ không đạt chất lượng, dẫn đến dự án thiếu tính cạnh tranh và tụt hậu.
"Việc bỏ tiền ra thuê nhân sự nước ngoài hoặc vung tiền để lôi kéo người tài chỉ là giải pháp tạm thời cho các vấn đề rất bức thiết. Trong tương lai xa hơn, chúng tôi sẽ tham gia sâu hơn vào việc đào tạo, xây dựng các giáo trình chuẩn và tạo cảm hứng cho những thế hệ trẻ của Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này", ông Trí chia sẻ.
Ở góc độ của đơn vị chuyên về tuyển dụng, ông Bùi Quang Tinh Tú cho rằng trong vài năm tới, các tổ chức đào tạo và các công ty công nghệ về nhân sự sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc cung cấp và phân bổ nhân sự bằng cách hợp tác với các tổ chức uy tín để tạo ra một tầng lớp thế hệ nhân tài mới trong ngành. Tuy nhiên blockchain nói chung và metaverse nói riêng vẫn là ngành có độ khó cao, đòi hỏi thời gian đào tạo nhiều và chuyên sâu. Trong thời gian đó, các nhà phát triển dự án có thể thuyết phục nhân tài từ những lĩnh vực khác chuyển sang.