Không có 2 viên pin smartphone nào giống nhau y hệt
Chế tạo pin Lithium-ion là một quá trình phức tạp và dù các nhà sản xuất luôn hướng đến sự nhất quán trong chất lượng sản phẩm, thực tế không thể tránh khỏi sự sai lệch rất nhỏ trong quy trình (thường gọi là "dung sai"). Điều này có nghĩa viên pin bên trong chiếc điện thoại của một người dùng ngẫu nhiên sẽ không hề giống y hệt linh kiện tương tự trong một smartphone khác dù cùng loại, cùng lô sản xuất.
Sự khác biệt ở quy mô siêu nhỏ này nằm trong thành phần hóa học, căn chỉnh điện cực hay phân phối điện phân, tỷ lệ tạp chất... đều dẫn đến những biến thể khác nhau. Các công ty điện thoại không đề cập tới dung lượng cụ thể của từng đơn vị pin vì điều này thực chất không cần thiết và còn gây nhầm lẫn cho người dùng.

Pin smartphone dù cùng dung lượng công bố, thực tế không có viên nào giống nhau
Ảnh: AFP
Do vậy, họ thường sử dụng thuật ngữ như "dung lượng định mức", "dung lượng tiêu chuẩn"..., có thể hiểu là giá trị trung bình của các biến thể dung lượng pin. Đây cũng thường là con số phổ thông mà người dùng thấy trên trang thông tin về sản phẩm (ở phần Thông số kỹ thuật).
Chỉ số "Sức khỏe pin" không hoàn toàn đáng tin
Trên iPhone có mục kiểm tra "Sức khỏe pin" và nhiều model chạy hệ điều hành Android cũng sẽ có tính năng tương tự sau khi cập nhật phiên bản Android 16. Nhưng người dùng ít biết rằng chỉ số này không hoàn toàn đáng tin cậy.
Về mặt phần cứng, sai số trong quá trình sản xuất khiến các hãng thường đặt mốc tiêu chuẩn cho mức 100% pin thấp hơn dung lượng trung bình thực tế. Ví dụ, smartphone có dung lượng pin 5.000 mAh, nhưng nhà sản xuất đặt mốc 100% là 4.900 mAh, nên chỉ khi dung lượng pin tụt xuống dưới mốc 4.900 mAh thì hệ thống mới bắt đầu hiển thị tình trạng sức khỏe pin suy giảm dù thực tế, quá trình hao mòn đã bắt đầu từ trước đó.
Còn về phần mềm, việc ước tính tình trạng pin là một quá trình phức tạp, nơi các phép đo được dựa trên thói quen sạc, hoạt động tiêu thụ điện áp, mức độ hao mòn... những yếu tố không có tính cố định. Có thể hình dung quá trình đo kiểm sức khỏe pin giống như giải một bài toán liên tục thay đổi biến số trong quá trình tìm đáp án và vì thế không bao giờ có câu trả lời chính xác tuyệt đối, mà chỉ có kết quả đủ gần.
Điện thoại chạy hệ điều hành Android dễ bị hack hơn iPhone
Để khắc phục điều này, hệ thống sẽ định kỳ hiệu chỉnh lại ước lượng dung lượng pin hiện tại. Trong quá trình đó, đôi khi máy bỏ qua giới hạn sạc 80% vốn được người dùng thiết lập để làm chậm quá trình lão hóa pin.
Độ sáng tối đa... không sáng nhất
Một trong những thông số kỹ thuật dễ bị hiểu sai nhất trên smartphone chính là "Độ sáng tối đa" (peak brightness). Người dùng thường xem thông số này để hình dung màn hình có thể sáng đến mức nào khi sử dụng ngoài trời. Nhưng thực tế, đó không phải là mục đích thực sự của "độ sáng tối đa".
Điện thoại có 3 loại độ sáng cơ bản gồm "Thông thường", có thể thấy khi tự tay kéo thanh điều chỉnh độ sáng lên cao nhất nhưng đây không phải mức tối đa điện thoại đạt được. Tiếp. theo đó là "Cao" (HBM) - mức thực tế cao nhất, chỉ kích hoạt khi bật tính năng "Tự động điều chỉnh sáng" và trong môi trường phù hợp (ánh sáng xung quanh rất mạnh, ví dụ ngoài trời nắng to).
Cuối cùng là "Độ sáng tối đa", thuật ngữ chủ yếu là chiêu trò tiếp thị bởi kết quả được đo từ phòng thí nghiệm trên một phần rất nhỏ của màn hình (có khi chỉ 1 điểm ảnh) để lấy kết quả phát ra ánh sáng cực mạnh trong thời gian siêu ngắn khi hiển thị nội dung HDR. Dù vậy, nhà sản xuất không nói dối, chỉ là thông tin đưa ra có thể gây hiểu lầm bởi người dùng gần như không bao giờ trải nghiệm "Độ sáng tối đa" trong hoạt động hằng ngày.
Hai smartphone cùng chip có thể khác về hiệu năng, độ mượt
Không ít người cho rằng dựa vào chip xử lý có thể biết hiệu năng điện thoại, nhưng điều đó chỉ đúng một phần, bởi trải nghiệm mượt mà là kết quả từ nhiều yếu tố khác hợp lại. Đầu tiên, tản nhiệt đóng vai trò rất quan trọng. Dù chip xử lý mạnh tới đâu mà smartphone không có hệ thống tản nhiệt tốt sẽ nhanh chóng bị "nghẽn hiệu năng" do quá nhiệt. Vì lý do này nên điện thoại gaming thường thêm tản nhiệt buồng hơi, thậm chí sử dụng quạt tăng áp.

Hiệu năng của smartphone ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố, không chỉ riêng chip xử lý
Ảnh: FOSSBYTES
Phần mềm cũng ảnh hưởng tới khác biệt hiệu năng trên hai chiếc smartphone cùng chip xử lý. Phần mềm được tối ưu thì máy phản hồi nhanh, mượt, tiết kiệm pin. Ngược lại, phần mềm cồng kềnh, nhiều ứng dụng mặc định vô dụng sẽ khiến máy dễ giật, lag, nhanh cạn pin dù có phần cứng cao cấp.
Một chiêu cắt giảm chi phí phổ biến trên điện thoại giá rẻ là sử dụng bộ nhớ lưu trữ chuẩn cũ, hoặc chất lượng thấp, "che mắt" người dùng bằng dung lượng lớn. Các chuẩn bộ nhớ thấp có chênh lệch tốc độ đọc/ghi dữ liệu rất lớn so với hàng chất lượng cao. Điều này thể hiện rõ khi khởi động máy, chuyển tập tin dung lượng lớn, xử lý tác vụ, chơi game...
Cuối cùng là loại RAM sử dụng cũng ảnh hưởng đến độ mượt. LPDDR5X là chuẩn mới, thường có trên smartphone cao cấp, còn các mẫu tầm trung thì hay bị giấu thông tin này.
Kính cường lực trên flagship không quá cứng hơn máy tầm trung
Theo HowToGeek, từ tài liệu kỹ thuật của hãng kính Corning về các phiên bản Gorilla Glass (loại kính cường lực màn hình phổ biến hiện nay), có thể khẳng định sản phẩm dùng trên điện thoại hơn 25 triệu đồng (trên 1.000 USD) không cứng, bền hơn quá nhiều so với loại dùng trên smartphone tầm trung.
Thực tế, mặt kính điện thoại flagship có thể trầy xước, nứt vỡ dễ như điện thoại tầm trung, nguyên nhân bắt nguồn từ khả năng chống trầy và chống vỡ phụ thuộc vào hai đặc tính trái ngược nhau của kính: độ cứng (để chống trầy) và độ linh hoạt (để chống nứt, vỡ). Kính cường lực khó đáp ứng cả hai yếu tố này cùng lúc. Kính muốn chống trầy tốt thì phải cứng, hậu quả là dễ nứt vỡ. Nếu muốn kính chịu lực uốn để tăng độ bền, buộc phải làm giảm khả năng chống trầy.
Điểm khác biệt trong các thử nghiệm của nhà sản xuất là kính xịn thường an toàn sau khi rơi từ độ cao lớn hơn, nhưng thực tế đa phần trường hợp rơi tác động bởi góc rơi và độ cong viền màn hình, nên hầu hết đều gây nứt dù kính có độ bền tới đâu.