Tổng Thư ký Quốc hội vừa gửi phiếu xin ý kiến đại biểu, lựa chọn bốn trong năm nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Việc xin ý kiến chọn nhóm vấn đề chất vấn ở kỳ họp này được tiến hành sớm hơn nhiều các kỳ họp trước.
Bên cạnh chọn đồng ý/không đồng ý tại phiếu xin ý kiến này, các đại biểu Quốc hội có thể có ý kiến khác.
Cụ thể, nhóm vấn đề 1 thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, gồm: chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.
Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: PHẠM THẮNG
Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập.
Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ KH&CN. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các bộ: Tài chính, KH&ĐT, NN&PTNT, GD&ĐT, TT&TT cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề 2 là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, gồm: việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: PHẠM THẮNG
Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và bồi thường nhà nước.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các bộ: Tài chính, TT&TT, Nội vụ, GD&ĐT; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề 3 thuộc lĩnh vực dân tộc, gồm: trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: PHẠM THẮNG
Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các bộ: KH&ĐT, Tài chính, Nội vụ, NN&PTNT, GTVT, Xây dựng, LĐ-TB&XH, VH-TT&DL, TT&TT, TN&MT; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề 4 thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, gồm: giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: PHẠM THẮNG
Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…; công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ: Tài chính, KH&ĐT, GD&ĐT và Nội vụ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề 5 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, gồm: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: PHẠM THẮNG
Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ GTVT. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các bộ: KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, KH&CN, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Theo dự kiến chương trình của Kỳ họp thứ năm Quốc hội hội khóa XV, hoạt động chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ ngày 6-6 đến sáng 8-6.