Doanh nghiệp

4 nhóm ngành sẽ thăng hoa trong nửa cuối 2023

SSI Research vừa mới công bố báo cáo cập nhật triển vọng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp nửa cuối năm 2023 và 2024.

Sau khi cập nhật số liệu kết quả kinh doanh quý I, các chuyên gia đã điều chỉnh giảm ước tính tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 cho 88 công ty thuộc phạm vi nghiên cứu xuống còn 4%. Đơn vị này cho rằng các công ty niêm yết sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức trong mùa kết quả quý II và III.

Trên thực tế, lợi nhuận của các công ty niêm yết trên sàn HOSE đã ghi nhận mức giảm đáng kể so với cùng kỳ, và quá trình này bắt đầu khá sớm từ Quý II/2022 - Quý I/2023, trong đó biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chủ yếu do chi phí tăng, trong khi tăng trưởng doanh thu vẫn giữ khá ổn định.

Tuy nhiên, rủi ro đối với các công ty này là tăng trưởng doanh thu sẽ có thể có dấu hiệu giảm sút từ quý II/2023 do nhu cầu trong và ngoài nước đều đang yếu.

Theo quan điểm của các nhà phân tích, mức tiêu dùng trong nước có thể vẫn chưa hồi phục ngay cho đến quý IV/2023, và điều này có thể đo lường được thông qua mức tăng trưởng tín dụng và tình hình nhập khẩu.

4 nhóm ngành sẽ khả quan trong nửa cuối năm

Về triển vọng lợi nhuận 2023 - 2024, SSI Research cho rằng lợi nhuận của ngành hàng không, đá xây dựng, công nghệ thông tin viễn thông và bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) sẽ khả quan.

Đối với ngành hàng không, các yếu tố hỗ trợ chính sẽ là sự phục hồi khách quốc tế và Trung Quốc mở cửa trở lại, giúp cải thiện dòng tiền và lợi nhuận của các công ty hàng không.

Khách quốc tế nói chung và Trung Quốc nói riêng sẽ là đòn bẩy giúp ngành hàng không khả quan trong năm 2023 - 2024. (Ảnh minh họa: MH).

Với giả định lượng hành khách quốc tế sẽ quay trở lại mức 80% trước COVID vào năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ sân bay (như ACV, Taseco, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, Suất ăn Hàng không Nội Bài) sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh từ mức nền thấp trong năm 2022.

Các hãng hàng không có thể vẫn cần thêm thời gian để lợi nhuận quay trở lại mức năm 2019 do chi phí nhiên liệu cao, hiệu suất thấp và cạnh tranh gay gắt.

Các doanh nghiệp vận tải hàng không như Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn và Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài có thể sẽ ghi nhận mức sụt giảm mạnh về khối lượng do hàng hóa hàng không thường chủ yếu là các sản phẩm không thiết yếu, sản phẩm vốn bị cắt giảm mạnh trong thời kỳ kinh tế suy thoái.

Đối với nhóm đá xây dựng, nhu cầu sử dụng mặt hàng này cho các công trình đầu tư công rất lớn. Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu về đá xây dựng giai đoạn 2023 - 2025 rơi vào khoảng 21,5 triệu m3. Lợi thế đang thuộc về các công ty có mỏ đá nằm gần các dự án lớn. Đơn cử như mỏ đá xây dựng Tân Cảng - nguồn cung chính cho dự án Sân bay Long Thành, Vành đai 3 và các dự án khác.

Các chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận sau thuế (LNST) của các công ty đá xây dựng sẽ tăng 7 - 8% so với cùng kỳ trong năm 2023 và 14 - 15% trong năm 2024.

Tuy nhiên, rủi ro gặp phải là chi phí khai thác tăng khi giá nhiên liệu tăng, chi phí thuế cấp quyền khai thác; khoản phải thu tăng khi bán đá xây dựng cho các dự án đầu tư công.

Với nhóm viễn thông/công nghệ thông tin, LNST của FPT được ước tính tăng trưởng hai con số nhờ lợi thế chi phí thấp và tiềm năng phục hồi từ đồng JPY bên cạnh vị thế tiền mặt ròng và tỷ lệ thanh toán lãi suất cao.

Đồng thời, việc sửa đổi luật tần số vô tuyến được thông qua sẽ cho phép các doanh nghiệp bắt đầu đấu giá băng tần cho sóng 4G vào nửa cuối năm 2023, điều này sẽ củng cố mảng vận hành và cho thuê hạ tầng viễn thông của Viettel Construction (Mã: CTR). Việc mở rộng thị phần di động của Viettel cũng sẽ là động lực tăng trưởng cho CTR.

Đối với BĐS KCN, giá thuê năm 2023 dự kiến tăng nhẹ (dưới 5 - 6%). LNST của các doanh nghiệp KCN dự báo tăng trưởng 4 - 5% trong năm 2023 và tăng 14% trong năm 2024.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể kém hấp dẫn hơn trong trường hợp triển khai thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) muộn hơn với các biện pháp hỗ trợ; đồng thời nguồn cung KCN hạn chế khi tỷ lệ lấp đầy trung bình tại Việt Nam đạt trên 80%; thủ tục pháp lý và đền bù giải phóng mặt bằng đều chậm là những yếu tố cản trợ sự tăng trưởng của nhóm này.

Doanh nghiệp thép sẽ hồi phục từ năm 2024

SSI Research nhận định trung lập đối với các nhóm thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, thép, dầu khí, nước, bất động sản nhà ở, y tế/dược phẩm.

Với nhóm thực phẩm đồ uống, chuyên gia cho rằng, biên lợi nhuận kỳ vọng cải thiện nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm (ngoại trừ Sabeco) sẽ được thể hiện từ quý II. Tâm lý tiêu dùng yếu và xu hướng thắt chặt chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu, ít nhất là trong nửa đầu năm.

SSI Research cho rằng ngành thực phẩm đồ uống sẽ có biên lãi gộp cải thiện từ quý II, ngoại trừ Sabeco. (Ảnh minh họa: MH).

Tăng trưởng LNST toàn ngành năm 2023 ước tính ở mức 7,2% chủ yếu nhờ Vinamilk (tăng 10%) và Đường Quảng Ngãi (tăng 17,6%).

Theo báo cáo, ngoại trừ Đường Quảng Ngãi, lợi nhuận của các công ty khác sẽ tạo đáy (xét theo mức tăng trưởng so với cùng kỳ) trong quý I hoặc quý II. Tuy nhiên, quá trình phục hồi vẫn sẽ diễn ra chậm trong nửa cuối năm 2023.

Trong năm 2024, nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận ngành sẽ tăng trưởng 8,6% nhờ sự phục hồi của Masan.

Đại diện cho nhóm bán lẻ là các doanh nghiệp có mã cổ phiếu MWG, DGW, PNJ và FRT. Các chuyên gia ước tính lợi nhuận của MWG và DGW đã chạm đáy trong quý I/2023 , trong khi lợi nhuận của PNJ và FRT có thể vẫn giảm trong quý II/2023 nếu xét về giá trị tuyệt đối.

Nguyên nhân là chi tiêu không thiết yếu vẫn tiếp tục yếu ít nhất là cho đến hết quý III do những khó khăn về kinh tế vĩ mô (xuất khẩu thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và lạm phát), mặc dù mức giảm doanh thu trong quý II và III có thể thấp hơn so với mức giảm trong quý I.

Đối với nhóm thép, lợi nhuận cuối năm nay có thể quay trở lại tăng trưởng dương so với mức nền thấp nửa cuối năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận có thể duy trì ở mức thấp trong 1-2 quý tới và sản lượng tiêu thụ có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi so với kỳ vọng trước đây do nhu cầu yếu ở cả thị trường trong nước và khu vực.

Trong năm 2024, lợi nhuận nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp trong năm 2022 - 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ và giá thép cải thiện, nhưng vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2021.

Với các công ty dầu khí, ở nhóm trung nguồn như GAS và BSR có doanh thu và lợi nhuận liên quan trực tiếp đến dầu nên có thể ghi nhận kết quả kém khả quan trong quý II/2023 và cả năm 2023 khi so với mức đỉnh của năm 2022.

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc BSR đang nêu những khó khăn thách thức của công ty sau năm 2022 báo lãi kỷ lục. (Ảnh minh họa: MH).

Các công ty phân phối xăng dầu như Petrolimex có thể đạt được mức tăng lợi nhuận cao trong năm 2023 từ nền thấp vào năm 2022 nhờ điều chỉnh công thức tính giá bán lẻ và thoái vốn khỏi PGBank.

Trong năm 2024, Petrolimex và GAS có thể đạt mức tăng trưởng sản lượng ổn định, trong khi sản lượng của BSR có thể giảm nếu hoãn đợt bảo dưỡng tổng thể từ 2023 sang 2024.

Những doanh nghiệp tàu chở dầu như PVTrans có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc tăng giá cho thuê tàu trong bối cảnh thị trường thắt chặt như hiện nay.

Còn các doanh nghiệp thượng nguồn như PV Drilling và PVS sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các hoạt động E&P khởi sắc hơn và đạt được tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2023 - 2024, báo cáo nêu.

Khó khăn bủa vây với nhóm ngành xuất khẩu

 Doanh thu của các công ty phân phối xe hơi sẽ tích cực trong năm 2024 nhờ các mẫu ô tô ra mắt. (Ảnh minh họa: MH).

Ngược lại, SSI Research cho rằng lợi nhuận nhóm ô tô/xe máy, thủy sản và dệt may, cảng biển và logistics cùng phân bón sẽ kém khả quan trong năm 2023.

Với nhóm ô tô, LNST nửa cuối năm 2023 có thể tích cực hơn nhưng cả năm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm. Người tiêu dùng cũng đang đợi các đợt cắt giảm lãi suất cho vay tiếp theo và các mẫu ô tô mới hơn sẽ được ra mắt trong năm tới, theo đó doanh thu sẽ bị đẩy sang 2024. Yếu tố hỗ trợ tiềm năng tăng trưởng có thể đến từ việc thông qua đề xuất áp dụng lại mức giảm 50% lệ phí trước bạ để kích cầu.

Trong khi đó, tình hình lạm phát và nhu cầu suy yếu tại các thị trường xuất khẩu lớn sẽ tiếp tục là thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và dệt may. Đơn đặt hàng có thể dần phục hồi từ quý IV/2023, mặc dù triển vọng tăng trưởng lợi nhuận vẫn chưa chắc chắn.

Với nhóm cảng biển và logistics như Gemadept, Viconship và Xếp dỡ Hải An sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng âm trong nửa cuối năm 2023. Chi phí vốn đầu tư lớn sẽ là tạo áp lực lên lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp trong 1 - 2 năm trước khi doanh nghiệp có thể nắm bắt được mức tăng trưởng từ những khoản đầu tư này.

Câu chuyện M&A tiếp tục có thể là yếu tố hỗ trợ, bên cạnh sự cải thiện từ mức tồn kho của Mỹ/Châu Âu và số lượng đơn đặt hàng.

Còn với nhóm phân bón, giá urê dự kiến sẽ giảm trong năm 2023. Trong khi đó, vị thế tiền mặt ròng cao của các doanh nghiệp sản xuất urê sẽ là một bước đệm. SS Research cho rằng mức giảm lợi nhuận trong các quý tiếp theo có thể không cao như trong quý I/2023. Lợi nhuận trong các quý còn lại có thể vẫn giảm so với cùng kỳ, nhưng với tốc độ nhẹ hơn. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm