Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh thị trường chung đi ngang, nhóm cổ phiếu dầu khí bất ngờ đi ngược lại xu thế với sắc xanh phủ rộng trên hầu hết các cổ phiếu như PVS, PVD, BSR, PVB, PVC, PLX, OIL,... Đà tăng của nhóm họ nhà "P" này được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực từ các dự án dầu khí tỷ USD trong nước.
Nhìn nhận lại quý I/2023, ngành dầu khí cũng không nằm ngoài bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Kể từ đầu năm, giá dầu đã chứng kiến sự giằng co khá mạnh, có những thời điểm áp sát về 70 USD/thùng.
Bên cạnh đó, giá khí cũng tiếp tục xu hướng đi xuống kể từ cuối năm ngoái, và giao dịch quanh mức 2 USD/mmbtu. Nguyên nhân khiến giá dầu và giá khí điều chỉnh chủ yếu đến từ những lo ngại về suy thoái kinh tế, khiến nhu cầu về dầu thô và năng lượng nói chung giảm bớt.
Nhóm thượng nguồn: Kết quả kinh doanh trái chiều
Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) và Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) thuộc nhóm công ty thượng nguồn và được đánh giá là phản ứng chậm hơn với sự thay đổi của giá dầu.
Quý vừa rồi, PV Drilling đã có lãi trở lại với 52 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 75 tỷ đồng cùng kỳ. Công ty giải trình, tất cả các giàn khoan tự nâng đều hoạt động xuyên suốt trong quý I/2023, hiệu suất sử dụng giàn tự nâng đạt 55%. Bên cạnh đó, đơn giá cho thuê giàn tự nâng quý I/2023 tăng trên 20% so với cùng kỳ và tăng lợi nhuận được chia từ các công ty liên doanh đã giúp công ty có lãi trở lại.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo PV Drilling cho biết hiện tại công ty đã thu xếp được việc làm liên tục và ổn định cho các giàn khoan sở hữu trong năm 2023 với đơn giá dịch vụ đã được cải thiện.
Giá thuê những giàn khoan của công ty đã tăng 30 - 35% so với năm ngoái, có những giàn tăng tới 40%, cho thấy những tín hiệu tích cực của thị trường. Do đó mà ban lãnh đạo cũng rất kỳ vọng vào năm nay khi nhận định 2023 sẽ là "năm bận rộn và tươi sáng hơn của công ty".
Tổng Giám đốc PV Drilling dự báo lợi nhuận sau thuế có thể đạt hơn 200 tỷ đồng, gấp đôi so với kế hoạch đưa ra.
Trong khi đó, PVS báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế qúy I lần lượt giảm 2% và 9%.
Tuy nhiên gần đây, những tiến triển của dự án điện khí Block B – Ô Môn dự kiến trong năm nay sẽ là cơ hội đem lại nguồn công việc lớn cho PVS. Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ thúc đẩy tiến độ các dự án mỏ khí tỷ USD vốn đã bị đình trệ lâu nay như Lô B, Cá Voi Xanh trong những năm tới nhằm đảm bảo nguồn khí trong nước, do đó PVS sẽ hưởng lợi khi tham gia vào lĩnh vực xây lắp.
Theo chiến lược mới công bố, PVS sẽ rẽ hướng sang đầu tư điện gió ngoài khơi (offshore), bên cạnh cung cấp dịch vụ dầu khí truyền thống.
Hiện tại PVS đã giành được hợp đồng M&C để sản xuất 33 chân đế cho các trang trại điện gió ngoài khơi của Orsted (Đài Loan). Công ty đang đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu và đang hướng tới châu Úc.
PV GAS và PVTrans đạt hơn nửa kế hoạch năm chỉ sau ba tháng
Quý I/2023, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) ghi nhận 21.214 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chi phí gia tăng không đáng kể, kết quả công ty báo lãi sau thuế 3.417 tỷ, giảm 2,2% so với quý I/2022 và bằng 52% kế hoạch năm.
Theo Phó Tổng Giám đốc PV GAS, kế hoạch kinh doanh năm 2023 xây dựng dựa trên giả định giá dầu 70 USD/thùng. Tuy nhiên trung bình giá dầu quý I ở mức 80 USD/ thùng. Nếu giá dầu tiếp tục duy trì như vậy, công ty tự tin doanh thu sẽ vượt 10% kế hoạch và lợi nhuận vượt 30% mục tiêu năm.
Nhìn nhận chung về thị trường khí trong nước, ban lãnh đạo PV GAS đánh giá nguồn khí nội địa vẫn đang suy giảm mạnh và nguồn khí giá cao sẽ chiếm tỷ trọng ngày một lớn.
Sự phát triển nhanh của các loại hình năng lượng tái tạo đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi bức tranh tổng thể về nhu cầu, cơ cấu năng lượng trong nước. Do đó, nhu cầu về khí cho công nghiệp và phát điện còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, gây khó khăn cho công tác xác định khối lượng LNG nhập khẩu trong ngắn và trung hạn. Dự kiến, tương lai, kinh doanh khí LNG sẽ đóng góp khoảng 30% doanh thu cho PV GAS.
Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans – Mã: PVT) là đơn vị duy nhất tại Việt Nam vận chuyển dầu thô khai thác trong nước cho 2 nhà máy lọc dầu. Quý đầu năm, PVTrans ghi nhận doanh thu thuần gần như đi ngang so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 24% lên 240 tỷ đồng do gia tăng hiệu quả khai thác đội tàu và hiệu quả hoạt động tài chính.
So với kế hoạch thận trọng, công ty đã thực hiện được 45% chỉ tiêu lợi nhuận. Chủ tịch Phạm Việt Anh thông tin lợi nhuận năm nay của PVTrans có thể vượt 1.000 tỷ đồng.
Năm nay, thị trường vận tải biển quốc tế được dự báo vẫn tương đối tích cực trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn. Tuy nhiên, giá cước sẽ hạ nhiệt so với mức tăng đột biến trong năm 2022 do những rủi ro liên quan tăng trưởng kinh tế và việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+.
Với thị trường nội địa, sản lượng vận chuyển dầu thô, xăng dầu và khí LPG dự kiến không tăng trưởng mạnh so với năm 2022. Đồng thời, kế hoạch bảo trì Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được dời sang đầu năm 2024 và trong năm nay Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ ngừng hoạt động khoảng 45-50 ngày để bảo dưỡng nên công việc của PVTrans cũng bớt đi.
Nhóm bán lẻ xăng dầu: Nhu cầu tiêu thụ suy giảm, biên lãi gộp nhích nhẹ so với cùng kỳ
Đầu năm 2023, thị trường xăng dầu đã ổn định hơn so với năm dị biệt 2022. Tuy nhiên do các biến số như lạm phát và những bất ổn của thị trường chung khiến nguồn thu của những doanh nghiệp bán lẻ giảm sút.
Trong khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) – đơn vị nắm 50% thị phần bán lẻ chỉ ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 tăng 0,6% lên 67.432 tỷ đồng, thì Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL) báo giảm 12% về 20.538 tỷ.
Cả quý, Petrolimex lãi sau thuế 667 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ, nhưng chưa bằng một nửa so với cuối năm ngoái.
Còn lợi nhuận sau thuế của PV OIL – đơn vị bao tiêu sản phẩm cho Lọc hóa dầu Bình Sơn giảm 6% về 265 tỷ. Theo giải trình, trong quý I, sản lượng tiêu thụ xăng tăng, tuy nhiên giá vốn lại tăng cao hơn nên dẫn tới lãi gộp giảm 6% và kéo lợi nhuận sau thuế đi xuống. Dù vậy với kết quả này, công ty đã xóa được khoản lỗ lũy kế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý I là 26 tỷ đồng, thỏa mãn một trong các điều kiện để chuyển sàn cổ phiếu sang HOSE.
CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) là một trong hai nhà máy lọc dầu của Việt Nam. So với cùng kỳ, giá dầu thô trong quý I/2023 tương đối ổn định ở mức 82 USD/thùng và giảm nhẹ còn 78,56 USD/thùng ở tháng 3, nên làm cho tình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty kém thuận lợi hơn.
Doanh thu trong kỳ đạt 34.066 tỷ, giảm 2%. Biên lợi nhuận gộp ở mức 6%, giảm 2 điểm % so với quý I/2022.
Dù có doanh thu hoạt động tài chính 810 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ nhưng các chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá và các chi phí hoạt động tăng mạnh hơn nên BSR báo lãi sau thuế giảm 30% về 1.621 tỷ, nhưng vẫn cao nhất kể từ quý II/2022. Lãi ròng đạt 1.629 tỷ đồng.
Năm nay, nhiều doanh nghiệp dầu khí đều thận trọng với kế hoạch kinh doanh và dựa trên giả định giá dầu khoảng 70 USD/thùng. Do đó mới kết thúc ba tháng đầu năm, một số đơn vị đã thực hiện được hơn 50% mục tiêu.
Bên cạnh đó, do đã được cổ đông chấp nhận việc hoãn kế hoạch bảo dưỡng nhà máy, BSR dự kiến doanh thu sẽ tăng thêm 18.000 - 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng thêm 1.000 tỷ.
Triển vọng ngành dầu khí nửa cuối năm
Các tổ chức lớn cũng đã đưa ra những điều chỉnh trong dự báo giá dầu so với đầu năm, với mức trung bình dự báo khoảng 85 USD/thùng. Cơ quan năng lượng quốc tế IEA cảnh báo nếu nguồn cung dầu thô không được cải thiện, thị trường sẽ dần rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trong nửa cuối năm nay. Dự báo giá dầu thô có thể bật tăng mạnh trở lại trên 80 USD/thùng hoặc hơn.
Bên cạnh yếu tố thị trường quốc tế, việc áp dụng Luật Dầu khí năm 2022 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 được kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn đáng kể quá trình phê duyệt và triển khai các dự án mới và các mỏ tận thu, tháo gỡ các nút thắt ở hoạt động thượng nguồn (thăm dò, khai thác), tạo hiệu ứng lan toả tới trung nguồn (xử lý khí tự nhiên, vận tải dầu khí) thông qua hoạt động truyền dẫn và phân phối trong trung hạn. Cùng với đó, việc tăng thêm các cơ chế hỗ trợ sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư vào các dự án dầu khí.
Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng vừa đưa ra triển vọng ngành dầu khí trong các quý cuối năm 2023. Các nhà phân tích cho rằng giá dầu sẽ khó giảm sâu, và duy trì trên 70 USD/thùng trong thời gian tới.
Đối với nhóm thượng nguồn, BSC đưa ra quan điểm khả quan đối với PVS hay PVD do giá dịch vụ dàn khoan ký mới/gia hạn cùng hiệu suất được cải thiện tiềm năng từ các dự án mới trong thời gian tới sẽ đem lại nguồn công việc lớn cho các công ty này.
Đối với nhóm trung nguồn như PVTrans, hoạt động kinh doanh cốt lõi sẽ khả quan nhờ giá cước vận tải ký mới tăng.
Trong khi đó, với phân khúc hạ nguồn, Petrolimex sẽ là điểm sáng khi phục hồi từ mức nền thấp của năm 2022, và ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoạt động thoái vốn tại PGBank. Thực tế tháng 4, Petrolimex đã hoàn tất thoái vốn tại PGBank và thu về số tiền hơn 2.568 tỷ đồng.