Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, cho biết tình trạng xe xuất khẩu nông sản bị tồn diễn ra hơn một tuần qua.
Báo cáo của cơ quan này hôm 30/5 cho thấy lượng xe bị tồn chủ yếu nằm ở cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị với 570 xe, trong đó quá nửa là xe chở sầu riêng.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn cho biết việc xe hàng bị ùn là do sầu riêng trong nước đang vào vụ thu hoạch và mặt hàng này chỉ được xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.
Hiện năng lực thông quan tại 5 cửa khẩu ở Lạng Sơn vẫn ổn định với hơn 1.000 phương tiện mỗi ngày. Trong đó, riêng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là hơn 500 xe, cửa khẩu Tân Thanh là hơn 300 xe.
Để tránh việc các xe tràn ra đường gây mất trật tự, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn hiện bố trí các xe tồn vào khu phi thuế quan. "Phía cửa khẩu cũng đã làm việc với Trung Quốc để yêu cầu phía bạn làm thêm giờ, tối ưu hóa việc kiểm tra, kiểm soát, tăng năng lực thông quan tại Hữu Nghị" ông Duy nói.
Ngoài ra, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cũng có đề nghị ngành chức năng Trung Quốc bố trí thông quan hàng sầu riêng qua cửa khẩu Tân Thanh. Ngày 30/5, đã có 63 xe hàng sầu riêng được xuất bán qua cửa khẩu này.
Trước tình hình xe nông sản bị ùn ứ này, tối 31/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu 8 bộ cùng các địa phương, cơ quan liên quan sớm tìm cách xử lý, thúc đẩy việc thông quan nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc.
Thủ tướng giao các đơn vị rà soát quy định về nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam - Trung Quốc; phối hợp với cơ quan chức năng nước này để đơn giản hóa các thủ tục, tăng thời gian, hiệu suất cho thông quan nhằm tránh tình trạng hàng hóa bị ùn ứ, dễ hư hỏng trong điều kiện nắng nóng.
Lãnh đạo các tỉnh có cửa khẩu ở khu vực biên giới phía Bắc phải có biện pháp điều tiết, quản lý phương tiện đưa hàng lên cửa khẩu biên giới, xử lý các điểm ùn ứ; hỗ trợ, giải quyết kịp thời các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thông quan.
Các tỉnh này đồng thời cần thông tin kịp thời cho các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước về tình hình lưu thông, xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu để chủ động, điều chỉnh lượng hàng, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình để trục lợi.
Các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm cách thúc đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ các loại nông sản đang trong thời vụ thu hoạch tại thị trường trong nước.
Về lâu dài, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tìm cách thúc đẩy xuất khẩu nông sản theo hình thức chính ngạch, tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản; đa dạng hóa các phương thức vận tải; phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp, bảo đảm đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, an toàn thực phẩm.