Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI cho biết dữ liệu vĩ mô thế giới không được khả quan như kỳ vọng và số liệu của Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong bối cảnh đó, các tác động đối với ngành ngân hàng có thể được thể hiện qua những yếu tố như tăng trưởng tín dụng yếu đi trong 4 tháng đầu năm, tỷ lệ hình thành nợ xấu cao hơn dự kiến, NIM thu hẹp nhiều hơn kỳ vọng và thu nhập ngoài lãi chậm lại.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng SSI nghiên cứu chỉ đạt 12% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với quý I/2022 (20%) và tương đương với quý I/2020.
Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng giảm nhanh hơn dự kiến, không chỉ xuất phát từ thị trường bất động sản mà còn từ các lĩnh vực khác do tình hình kinh tế không thuận lợi.
Trong quý I/2023, nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng đáng kể 24% và 44% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ Nhóm 2 và nợ xấu lần lượt là 2,54% và 1,76% tính tại thời điểm cuối quý I.
Một điểm đáng lưu ý là mặc dù tỷ lệ hình thành nợ xấu cao nhưng chi phí tín dụng lại không tăng tương ứng. Điều này có thể là do các ngân hàng đang chờ những quy định và cơ chế mới về cơ cấu nợ từ NHNN dự kiến được ban hành vào tháng 4. Vì vậy, gánh nặng trích lập dự phòng có thể còn tăng trong quý II/2023, SSI cho hay.
NIM cũng bị thu hẹp nhiều hơn kỳ vọng so với quý trước do lãi suất cho vay giảm để kích cầu tín dụng và hạn chế hình thành nợ xấu. Nhìn chung, NIM giảm 0,24 điểm % so với quý trước, trong đó VPBank là ngân hàng có NIM thu hẹp nhiều nhất, ngược lại VIB lại ghi nhận mức NIM tăng trưởng tốt.
Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi giảm tốc do việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng cũng như hoạt động xuất nhập khẩu chững lại từ quý II/2023.
Với những thách thức như vậy, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng sẽ tăng 10% so với cùng kỳ (thấp hơn so với ước tính trước đó là 13,8%). Mức tăng trưởng tại các NHTM Nhà nước sẽ khả quan hơn (tăng 18,5% so với cùng kỳ) so với các NHTM cổ phần (tăng 4,9% so với cùng kỳ).
Chỉ khi giải quyết được vấn đề pháp lý cho các dự án BĐS, ngân hàng mới có thể phục hồi mạnh mẽ
Cũng theo SSI, với những quy định được ban hành gần đây, các ngân hàng Việt Nam đã có đầy đủ các công cụ và cơ chế cần thiết để giảm thiểu tác động từ tình hình kinh tế không thuận lợi nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng lên báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các ngân hàng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về những khách hàng đủ điều kiện để cơ cấu lại nợ dựa trên khả năng phục hồi của họ trong nửa cuối năm 2024.
Đối với lĩnh vực bất động sản, giải pháp thực sự cho những khó khăn hiện tại và quyết định triển vọng của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2024 là sự tiến triển về mặt pháp lý của các dự án bất động sản.
Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này, các ngân hàng mới có thể kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024.
Hiện tại, vấn đề này đang được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, thay vì một giải pháp tổng thể cho toàn bộ các dự án. Do đó, tác động đối với từng ngân hàng có tỷ trọng cho vay lớn với thị trường bất động sản cũng sẽ rất khác nhau. Tương tự như vậy, việc cơ cấu lại nợ cũng sẽ được cân nhắc theo từng trường hợp cụ thể dựa vào khả năng hồi phục của khách hàng.
Với các dự án không vướng mắc pháp lý, chuyên gia kỳ vọng các dự án này có thể nhận được nguồn vốn từ ngân hàng để tiếp tục xây dựng & đủ điều kiện tái cơ cấu. Các khoản cho vay mua nhà liên quan sau đó cũng có thể được xem xét để giãn thời gian trả nợ.
Như vậy, nhà phát triển bất động sản có thể hoàn thành dự án và bàn giao căn hộ cho người mua nhà sau này. Theo đó, rủi ro nợ xấu phát sinh từ chuỗi giá trị bất động sản liên quan đến các dự án đó có thể dần được kiểm soát vào năm 2024.
Với dự án có vấn đề pháp lý phức tạp như sai quy hoạch, việc gia hạn thêm 1 năm cho các dự án này có thể là chưa đủ. Do đó, việc cơ cấu các khoản vay cho những dự án này và các khoản vay mua nhà liên quan có thể được ngân hàng xem xét một cách cẩn trọng.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng điểm mấu chốt của những ngành nghề khác (như thép, xuất nhập khẩu, năng lượng tái tạo...) là liệu các doanh nghiệp này có thể sớm có đơn đặt hàng mới trở lại hay có thể đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với giá ưu đãi để cải thiện dòng tiền đủ để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn trong nửa cuối năm 2024 hay không.