Mỗi khi đi chợ mua rau củ, thứ mà các bà nội trợ lo lắng nhất là rau thường bị phun thuốc trừ sâu để tươi xanh, đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ những thực phẩm chứa thuốc trừ sâu có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc nặng, thậm chí là gâybệnh ung thư.
Vậy những loại rau nào thường chứa lượng thuốc trừ sâu cao nhất? Câu trả lời đã được chứng minh trong danh sách "Dirty Dozen" của Nhóm Công tác Môi trường EWG (Mỹ) thực hiện.
Hàng năm, EWG đều thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu để đưa ra danh sách các loại rau chứa nhiều thuốc trừ sâu nhất, nhằm cảnh báo cho người dùng về tác hại và cần thận trọng khi tiêu thụ. Đáng nói, trong đó có 1 số loại rau rất phổ biến ở Việt Nam.
Nếu tiêu thụ 3 loại rau dưới đây, bạn cần tìm mua rau được trồng hữu cơ, hoặc bạn có thể tự trồng chúng tại nhà.
3 loại rau được chứng minh là chứa nhiều thuốc trừ sâu nhất
1. Rau chân vịt
Rau chân vịt là một loại rau giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa vì vậy nó thường có mặt trong các bữa ăn lành mạnh. Tuy nhiên theo Nhóm Công tác Môi trường EWG, rau chân vịt là lọai rau có chứa nhiều dư lượng thuốc trừ sâu theo trọng lượng hơn rất nhiều loại rau khác.
Năm 2016, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thực hiện phân tích 642 mẫu rau chân vịt trồng thông thường và phát hiện mỗi mẫu có chứa khoảng 7 loại thuốc trừ sâu. Thậm chí có mẫu còn ghi nhận tới 19 loại thuốc trừ sâu khác nhau.
Đáng nói, trong 76% mẫu rau chân vịt có chứa permethrin - một loại thuốc trừ sâu thần kinh. Chất này đã bị cấm sử dụng trên cây lương thực ở châu Âu từ năm 2000.
Ở liều cao, permethrin có thể làm quá tải hệ thần kinh, gây run rẩy và co giật. Một số nghiên cứu cho thấy ngay cả ở liều thấp, chất này cũng liên quan đến các vấn đề thần kinh ở trẻ em.
Ngoài ra, rau chân vịt còn được chứng minh chứa thuốc diệt nấm và các dư lượng thuốc trừ sâu nguy hiểm khác có thể gây bệnh ung thư.
Cách tiêu thụ sau chân vịt an toàn:
- Ưu tiên tự trồng rau hữu cơ: Rau chân vịt hữu cơ giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm thuốc trừ sâu đáng kể.
- Rửa sạch kỹ: Ngâm rau trong nước muối loãng hoặc dung dịch rửa rau chuyên dụng để loại bỏ dư lượng hóa chất.
- Chọn mua rau chân vịt từ những địa chỉ có chứng nhận an toàn thực phẩm rõ ràng.
2. Các loại rau cải: Cải xoăn, cải xanh và cải mù tạt
Rau lá xanh như cải xoăn, cải xanh, cải mù tạt là những siêu thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Các loại rau cải này đều ngon, có mặt trong bữa ăn của nhiều gia đình. Tuy nhiên đây có thể là loại rau nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu cao.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, gần 60% mẫu cải xoăn được bán tại Hoa Kỳ chứa dư lượng thuốc trừ sâu mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) phân loại là có khả năng gây ung thư.
Hơn 35% mẫu cải xanh và cải mù tạt được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đánh giá là có chứa Dacthal, được phân loại là "chất có khả năng gây ung thư" từ năm 1995.
Cách tiêu thụ rau cải an toàn:
- Tự trồng tại nhà: Tự trồng rau có thể giảm đáng kể nguy cơ tiếp xúc với dư lượng thuốc trừ sâu.
- Rửa sạch: Rửa rau dưới vòi nước chảy hoặc sử dụng dung dịch rửa rau để loại bỏ phần nào dư lượng thuốc trừ sâu.
- Đa dạng hóa chế độ ăn: Kết hợp nhiều loại thực phẩm để tránh tiếp xúc quá nhiều với dư lượng thuốc trừ sâu từ một nguồn duy nhất
3. Đậu đũa
Đậu đũa rất thơm ngon và được yêu thích. Tuy nhiên loại rau này được bình chọn là một trong những loại chứa nhiều thuốc trừ sâu nhất năm 2024.
Nhóm Công tác Môi trường đánh giá rằng trong đậu đũa có chứa 2 loại thuốc trừ sâu kịch độc là acephate hoặc methamidophos, gây hại cho hệ thần kinh. Đáng nói, có 1 số mẫu còn chứa hàm lượng acephate cao hơn 500 lần so với giới hạn do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đặt ra.
Ngoài ra, trong một số mẫu đậu đũa được nghiên cứu còn phát hiện ra 94 loại thuốc trừ sâu khác nhau. Một số thuốc trừ sâu phổ biến trên đậu đũa, như bifenthrin và carbendazim, đã được phân loại là chất có khả năng gây ung thư.
Cách tiêu thụ đậu đũa an toàn:
- Chọn sản phẩm hữu cơ: Ưu tiên mua đậu đũa từ các nguồn hữu cơ để giảm nguy cơ tiếp xúc với dư lượng thuốc trừ sâu.
- Rửa sạch: Ngâm và rửa kỹ đậu đũa trước khi chế biến để loại bỏ một phần dư lượng hóa chất.
- Cân nhắc thay thế đậu đũa bằng các loại rau xanh khác nếu không thể đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn.
- Nếu được bạn có thể tự trồng đậu đũa tại nhà.