Tài chính

Thách thức chờ kinh tế thế giới năm 2025

Ngay khi nền kinh tế toàn cầu vừa bắt đầu vượt qua tác động của đại dịch COVID-19, một loạt thách thức hoàn toàn mới lại xuất hiện cho năm 2025.

Nhiều điều bất định

Trong năm 2024, các ngân hàng trung ương trên thế giới cuối cùng đã có thể bắt đầu giảm lãi suất sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát mà không gây ra suy thoái toàn cầu. Dù vậy, đối với nhiều người, năm 2025 có thể trở nên khó khăn hơn.

Nếu ông Donald Trump hiện thực hóa lời đe dọa thuế quan sau khi trở lại Nhà Trắng vào đầu năm và bước đi này dẫn đến chiến tranh thương mại, điều đó có thể đồng nghĩa với một làn sóng lạm phát mới, một sự suy thoái toàn cầu, hoặc cả hai. 

Ngoài ra, theo Reuters, các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, bế tắc chính trị ở Đức và Pháp, cùng những hoài nghi về kinh tế Trung Quốc càng làm bức tranh thêm mờ mịt. Trong khi đó, chi phí khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu đang dần trở thành mối quan ngại hàng đầu đối với nhiều quốc gia.

Thách thức chờ kinh tế thế giới năm 2025- Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc có thể chịu nhiều tác động từ biện pháp thuế quan tiềm tàng của chính quyền sắp tới của ông Donald Trump trong năm 2025. Trong ảnh: Một chợ bán đồ trang trí đón năm mới tại TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc hôm 29-12-2024. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Như Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã nhận định sau cuộc họp cuối cùng của ngân hàng này năm 2024, năm nay sẽ có nhiều điều bất định. Chẳng hạn như vẫn chưa rõ liệu ông Trump có thực hiện đòn thuế quan như đe dọa hoặc đó chỉ là bước đi mở đầu cho những cuộc đàm phán.

Trong bối cảnh đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm 2025. Con số này cao hơn so với dự báo 3,2% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và 2,7% của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). 

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nhận định nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng chống chịu và phục hồi, với lạm phát tiến gần đến mục tiêu của các ngân hàng trung ương và tăng trưởng duy trì ổn định. 

Tuy nhiên, ông Cormann cũng cảnh báo về các thách thức như căng thẳng địa chính trị, nợ công cao, triển vọng tăng trưởng yếu trong trung hạn, xung đột leo thang ở Trung Đông làm gián đoạn thị trường năng lượng, căng thẳng thương mại gia tăng… 

Mặt khác, OECD cho rằng vẫn có lý do để lạc quan, như niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện hoặc một giải pháp cho các xung đột địa chính trị có thể thúc đẩy tăng trưởng và làm giảm giá năng lượng.

Tâm điểm thuế quan

Một vấn đề được quan tâm nhiều là chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tác động ra sao đến thế giới thời gian tới. Khi còn tranh cử, ông Trump cam kết đánh thuế 10%-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và dọa áp thuế đến 60% đối với mọi hàng hóa từ Trung Quốc. 

Báo cáo của OECD dù không nhắc đến ông Trump nhưng cảnh báo "chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, đặc biệt là từ các nền kinh tế lớn nhất" là một "rủi ro suy giảm".

Trong trường hợp ông Trump thực hiện biện pháp thuế quan, Công ty Tư vấn Oxford Economics (Anh) ước tính khu vực châu Á (không tính Trung Quốc) sẽ chứng kiến xuất khẩu giảm 8% và nhập khẩu giảm 3% theo kịch bản thận trọng nhất. 

Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2025 khi các nỗ lực kích thích của chính phủ chỉ phần nào bù đắp được tác động từ các mức thuế tiềm năng của Mỹ. Cụ thể, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay, so với mức 4,9% năm 2024.

Còn tại khu vực đồng tiền chung euro, bất ổn về chính sách thương mại nếu trở nên nghiêm trọng như cuộc xung đột thương mại giai đoạn 2018 - 2019 sẽ khiến GDP khu vực này giảm đến 0,9%. Goldman Sachs dự báo khu vực này tăng trưởng 0,8% năm 2025 nhưng nói thêm con số này có thể giảm nếu Mỹ áp đặt thuế quan toàn diện.

Nhìn chung, các chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến vẫn ổn định bất chấp khả năng Mỹ áp đặt thuế quan. Theo ước tính của họ, những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ sẽ làm giảm 0,4% GDP toàn cầu, trong khi việc tăng cường hỗ trợ chính sách sẽ làm giảm tác động tiêu cực này. 

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào quy mô của biện pháp hạn chế thương mại mới. Tác động có thể lớn gấp hai đến ba lần nếu Mỹ áp đặt thuế quan toàn diện 10%. Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs Research, khẳng định trừ khi xảy ra cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn, những thay đổi chính sách trong chính quyền nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump không làm thay đổi cơ bản các quan điểm của họ về kinh tế toàn cầu. 

Triển vọng kinh tế châu Á

Công ty Tài chính Nomura (Nhật Bản) nhận định có 4 yếu tố định hình triển vọng kinh tế của châu Á năm 2025: chính sách kinh tế của ông Donald Trump, kích thích kinh tế và tình trạng dư thừa năng lực sản xuất tại Trung Quốc, độ bền của chu kỳ tăng trưởng của bán dẫn, sự hỗ trợ từ nhu cầu nội địa.

Báo cáo của công ty này nhận định nhu cầu mạnh mẽ về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và sự gia tăng xuất khẩu có thể hỗ trợ tăng trưởng trong quý đầu tiên nhưng khu vực này dường như sẽ đối mặt những thách thức lớn hơn từ quý II. Nguyên nhân đến từ tác động của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump, tình trạng dư thừa năng lực sản xuất ở Trung Quốc và chu kỳ tăng trưởng chậm lại của ngành bán dẫn.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm