Tài chính

Tưởng ‘vớ bẫm’ nhờ vụ mùa bội thu chưa từng có trong lịch sử, nông dân tại siêu cường kinh tế lại thua lỗ nặng, thu nhập chạm đáy hơn 40 năm, chưa tìm thấy lối thoát thì sắp vướng "đá tảng" mới

Tưởng ‘vớ bẫm’ nhờ vụ mùa bội thu chưa từng có trong lịch sử, nông dân tại siêu cường kinh tế lại thua lỗ nặng, thu nhập chạm đáy hơn 40 năm, chưa tìm thấy lối thoát thì sắp vướng 'đá tảng' mới- Ảnh 1.

Nhiều nông dân trồng ngũ cốc ở vùng Trung Tây nước Mỹ sẽ thua lỗ trong năm nay sau một vụ mùa bội thu.

Nông dân Mỹ đã thu hoạch một số vụ ngô và đậu nành lớn nhất trong lịch sử. Những vụ thu hoạch lớn thường gây áp lực lên giá cây trồng vì nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, chi phí trồng ngô và đậu nành – hai loại cây trồng có giá trị nhất của Mỹ – vẫn neo cao.

Vì thế, cú “đấm” kép này đang giáng xuống nông dân Mỹ, ngay cả ở các bang nông nghiệp hàng đầu như Illinois.

Các nhà kinh tế nông nghiệp từ Đại học Illinois và Đại học bang Ohio ước tính rằng một nông trại ở Illinois có thể lỗ trung bình 30.000 USD vào năm 2024, kéo theo thu nhập xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng trang trại vào những năm 1980.

Triển vọng cũng không mấy tươi sáng trong năm 2025. Chi phí hạt giống, phân bón và chi phí đầu vào tăng trong năm 2022 do cuộc xung đột Nga-Ukraine, kéo theo giá cây trồng lên mức cao kỷ lục.

Tình cảnh này có thể tệ hơn đối với nông dân nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu. Ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó hàng hóa Trung Quốc có thể chịu mức thuế 60%. Gần đây, ông Trump cũng tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico.

Mexico, Canada và Trung Quốc là 3 nước nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất của Mỹ. Nông nghiệp cũng là một trong những động lực xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính 16% sản lượng ngô và 40% đậu nành của nước này được xuất khẩu. Vì vậy, một cuộc chiến thương mại có thể có tác động cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trung Quốc bắt đầu đa dạng hóa nguồn nhập khẩu lương thực, bao gồm mua hàng từ Brazil. Quốc gia Nam Mỹ này đang đẩy mạnh sản lượng đậu nành và ngô nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc. Điều này đe dọa thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc của Mỹ.

Với triển vọng kinh tế kém, nông dân sẽ xem xét kỹ lưỡng ngân sách trước khi trồng vụ xuân. Để tiết kiệm chi phí, họ có thể sử dụng hạt giống và phân bón với thương hiệu, đồng thời ngừng mua máy móc mới. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến các công ty nông nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán như John Deere, Corteva Nutrien.

Tham khảo: The Guardian

Cùng chuyên mục

Đọc thêm