Từng tăng trưởng âm tới 9,28% trong năm 2023 và là tỉnh có mức giảm sâu nhất trong 63 tỉnh, thành phố, sang đến năm 2024, Bắc Ninh tăng trưởng trở lại với mức tăng GDP đạt 5,52% trong 9 tháng đầu năm. Đáng chú ý là, mức tăng trưởng ngoạn mục tới 300% trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thu hút FDI tăng 300%
Trong 11 tháng đầu năm, có tới 5,04 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đầu tư vào Bắc Ninh, chiếm tới 16% vốn FDI của cả nước. Đặc biệt, số vốn này gấp hơn ba lần của cả năm ngoái khi toàn tỉnh chỉ thu hút FDI đạt gần 1,7 tỷ USD.
Năm 2024, với sự lan tỏa tích cực từ các dự án FDI trước đó như Samsung, Canon, Foxconn... và nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, dòng vốn của các doanh nghiệp FDI đã ồ ạt tìm đến.
Trong đó, nổi bật nhất là dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư Amkor tại KCN Yên Phong II-C với mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD. Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, việc khánh thành và đi vào hoạt động nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam là dấu mốc khởi đầu quan trọng để tỉnh Bắc Ninh, chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn.
"Đây cũng là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh trong những năm tiếp theo. Qua đó, tạo hiệu ứng, lan tỏa để thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới", ông Tuấn nói.
Bên cạnh Amkor, dự án có quy mô lớn thứ hai đầu tư vào Bắc Ninh trong năm nay là Dự án của tập đoàn Talway, nhà sản xuất thiết bị ắc quy ô tô và các sản phẩm cáp của Trung Quốc trị giá 700 triệu USD.
Trả lời cho câu hỏi tại sao chọn Bắc Ninh là căn cứ điểm đầu tư, Tập đoàn Talway đánh giá tỉnh có vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông phát triển, kết nối đồng bộ.
"Đồng thời, môi trường kinh doanh của Bắc Ninh tương đối thuận lợi; nguồn lao động dồi dào với chất lượng ngày càng cao và sự hỗ trợ, chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương đã và đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư", đại diện Tập đoàn Talway cho hay.
Không chỉ đón nhận dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực mới, những lĩnh vực truyền thống của Bắc Ninh như: Lắp ráp linh kiện, điện tử,... cũng thu hút hàng loạt vốn đầu tư. Trong đó, Foxconn mở rộng Dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh với tổng vốn 383 triệu đồng.
Goertek Vina, công ty con của tập đoàn Goertek Inc. (Trung Quốc) cũng tăng 280 triệu USD để chuẩn bị tăng gấp đôi sản lượng sản xuất máy bay không người lái (UAV), lên 60.000 sản phẩm một năm. Hiện tại, nhà máy của công ty này tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) đang sản xuất 30.000 UAV một năm. Hai dòng sản phẩm sẽ được sản xuất tại đây là Wing/7000 MP3 và Wing 7000 W-B.
Ngoài ra, dự án cũng bổ sung sản xuất và lắp ráp thiết bị của UAV, gồm thẻ bản đồ nhận dạng vị trí, thiết bị sạc, bộ điều khiển quản lý pin, thiết bị điều khiển... khoảng 31.000 sản phẩm mỗi năm.
Nỗ lực thu hút đầu tư
Trong năm 2024, Bắc Ninh đã được hàng loạt Tập đoàn FDI cam kết mở rộng đầu tư như Samsung Display phát triển dự án màn hình, linh kiện điện tử trị giá 1,8 tỷ USD. Với việc phát triển thêm dự án sản xuất màn hình, linh kiện điện tử của Samsung Display tại khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, tổng vốn đầu tư tại Việt Nam được dự kiến nâng lên trên 22 tỷ USD, trong đó chỉ riêng Bắc Ninh chiếm khoảng một nửa.
2024 cũng là năm đánh dấu nỗ lực của chính quyền tỉnh khi chủ động gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp lớn để thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất và kêu gọi doanh nghiệp vệ tinh, như: Tổ hợp Samsung Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam; các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...
Tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các thị trường có nhà đầu tư chất lượng cao, như: Mỹ, châu Âu... Điển hình là vào cuối tháng 9, Đoàn công tác của tỉnh Bắc Ninh do Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã có các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Mỹ hay vào tháng 7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã dẫn đầu đoàn xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia châu Âu.
Có thể nói, ngoài những lợi thế về vị trí địa lý, môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn nhân lực, việc xây dựng chính quyền năng động, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trở thành yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư.
Đối với địa phương có diện tích nhỏ, mật độ dân cư cao, chịu áp lực cạnh tranh lớn như Bắc Ninh, để tiếp tục duy trì phong độ thu hút, giữ chân các nhà đầu tư chiến lược, thì không chỉ cần những lợi thế “sẵn có” mà phải thu hút bằng chính sách hấp dẫn, hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ông Lin Hyun Seong, Giám đốc khu vực Tổng Công ty nhà đất Hàn Quốc LH khẳng định, việc gặp gỡ doanh nghiệp hàng tháng của tỉnh Bắc Ninh giúp tháo gỡ kịp thời những khó khăn liên quan đến việc thực thi các chính sách.
"Những vướng mắc của doanh nghiệp về điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư thứ cấp, nguồn vật liệu san nền… được người đứng đầu chính quyền tỉnh chỉ đạo hướng giải quyết, tạo niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển", đại diện LH đánh giá.
Ngoài ra, việc phát triển hệ thống khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại cũng là yếu tố thu hút các nhà đầu tư. Hiện,Bắc Ninh có 21 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển với tổng diện tích 8.202,85 ha, là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất miền Bắc.
Trong đó, có 12 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất đã sử dụng 4639,54 ha; ba khu đang xây dựng hạ tầng gồm: Thuận Thành III - Phân khu C, An Việt - Quế Võ; Phân khu Tân Hồng - Hoàn Sơn với tổng diện tích 806 ha.
Năm 2024, các khu công nghiệp trong tỉnh có khoảng 60 dự án mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lũy kế đến hết năm 2024, có khoảng 1.300 dự án đi vào hoạt động các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.
Hiện Bắc Ninh được nhiều tập đoàn lớn "chọn mặt gửi vàng", rót vốn đầu tư, là "thỏi nam châm" thu hút nhiều doanh nghiệp bán dẫn. Chia sẻ về chiến lược thu hút FDI của Bắc Ninh trong những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, trong quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu.
"Mục tiêu đến năm 2030, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành hàng không, sản xuất thiết bị công nghệ cao và dược phẩm, thiết bị công nghiệp y khoa...", Phó Chủ tịch Thường trực Bắc Ninh cho biết.
Để đạt mục tiêu này, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh xác định tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có và duy trì ngành sản xuất điện tử là động lực chính cho phát triển công nghiệp, tập trung vào phân khúc giá trị cao, cụ thể là các dòng điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh.
Từ đó, từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị điện tử, tích hợp chuỗi giá trị với các hoạt động nghiên cứu phát triển và thiết kế; mở rộng chuỗi cung ứng đến sản xuất, trở thành thủ phủ chất bán dẫn của Việt Nam.
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2050 trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế (R&D) trong khu vực Đông Nam Á, trong các bước đi hiện thực hóa mục tiêu đó, Bắc Ninh xác định nhiệm vụ chiến lược đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là dự án có vai trò trọng yếu trong chuỗi cung ứng về vi mạch bán dẫn toàn cầu.
Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động tại chỗ và nhập cư lớn, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Làn sóng đầu tư từ các nước lớn tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn càng khẳng định rõ nét những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh.
Ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, Bắc Ninh cam kết sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, khi doanh nghiệp đến đầu tư, tỉnh không coi là đối tác mà là bạn đồng hành, cùng chia sẻ, cùng phát triển,...