Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân sáng 31/12, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Thaibinh Seed đặt câu hỏi về cơ chế gì để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp? Ông nhấn mạnh, thực tế hiện nay doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ, mặc dù đã Nghị định số 210, và Nghị quyết 57 nhưng dường như vẫn chưa đủ thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Hoàng Trọng Thủy,Chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, hiện nay mức đầu tư cho nông nghiệp còn rất hạn chế. Vị chuyên gia này kiến nghị Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn tới lên gấp hai lần giai đoạn 2020 - 2024 và ưu tiên phát triển công nghệ trong sản xuất hiện đại và đảm bảo môi trường xanh để phát triển bền vững.
Tăng đầu tư tư nhân vào nông nghiệp
Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng cho biết về đầu tư cho nông nghiệp, không chỉ từ nguồn vốn Nhà nước mà phải có cả đầu tư tư nhân. "Do nguồn lực nhà nước có hạn nên phải có thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, đồng thời lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển, như thông qua hợp tác công tư", Thủ tướng chỉ đạo.
Nhấn mạnh tăng đầu tư gấp đôi cho nông nghiệp, nông thôn không có nghĩa là chỉ có đầu tư nhà nước mà phải có cả đầu tư tư nhân, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước xác định thể chế là đột phá của đột phá.
Trong đó, phải sửa Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương tức đối tác công tư, dứt khoát cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết với tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Thủ tướng cũng cho biết thêm, nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái gồm các ngành nghề khác để cùng phát triển. Ví dụ, cần công nghiệp để công nghiệp hóa nông thôn; nông nghiệp cần doanh nghiệp và các ngành khác cũng cần nông nghiệp. Các ngành, các nghề phải hỗ trợ, hợp tác để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Để phát triển hệ sinh thái này thì có rất nhiều việc phải làm, như phải tích tụ đất đai như nào để có diện tích đủ lớn; ứng dụng khoa học công nghệ, giúp nông dân nâng cao năng suất lao động; có cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế… Như để phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải thì phải có hỗ trợ về vốn, thị trường, ưu tiên các giống cây trồng, vật nuôi mới.
Thủ tướng đặt vấn đề: "Vừa qua chúng ta đã có các chính sách nhưng đã đủ mạnh chưa, cấp ủy, chính quyền phải bám sát để biết chính sách đã đi vào thực tế chưa, người nông dân phải tham gia kiểm chứng xem chính sách thực hiện thế nào trong thực tiễn".
Thủ tướng lấy ví dụ trong năm 2024, các gói tín dụng cho thủy sản, gỗ đã được triển khai rất tốt; ngay sau bão Yagi, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xuống ngay Hải Phòng, Quảng Ninh khảo sát thực tế và chỉ mấy ngày sau Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách tín dụng, bảo hiểm với nông nghiệp – lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất do bão.
8 chính sách tín dụng cho nông nghiệp
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết thêm, cơn bão số 3 đổ bộ gây thiệt hại rất lớn cho 26 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, dư nợ của cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão rất lớn lên tới 192.000 tỷ đồng của 124.000 khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách hiện đã có những cần thiết có thể khoanh nợ, giãn nợ cho người dân. Trong tháng 12, NHNN đã ban hành Thông tư 53 làm căn cứ để tất cả các tổ chức tín dụng xem xét giãn, hoãn các khoản nợ, lãi đến hạn và thực hiện cho các khoản nợ trước khi bão số 3 đổ bộ thời gian thực hiện đến hết 2025. Những khoản nợ, khoản lãi được giãn, hoãn từ 2 đến 3 năm tùy theo điều kiện thực tế.
Ông cũng cho biết thêm, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, số chính sách về tiền tệ, tín dụng nhiều hơn các lĩnh vực kinh tế khác, hiện có 8 chính sách dành cho nông dân, nông thôn để bà con được ưu đãi.
Đặc biệt có Nghị định 55 ban hành năm 2015, sửa đổi năm 2018 hiện đang được rà soát lại theo hướng bổ sung các nội dung về nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
Phó Thống đốc nhấn mạnh sẽ có chính sách gợi mở, thông thoáng để tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ nông dân tiếp cận được vay gấp 2 - 3 lần trước đây không cần tài sản đảm bảo, hoặc tham gia các chuỗi giá trị liên kết, chương trình, dự án như một triệu ha lúa chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long và những chương trình khác hoàn toàn là những đối tượng ưu đãi cả về lãi suất và cho vay, cũng như các điều kiện hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp.