Doanh nghiệp

Tổng giám đốc vàng SJC vừa bị khởi tố: Nhận lương hơn 550 triệu/năm

Như VietNamNet đã đưa tin, ngày 31/12, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin cụ thể về vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn ( Công ty SJC).

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 6 bị can về 2 tội danh: Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong số đó, bà Lê Thuý Hằng, Tổng Giám đốc Công ty SJC, bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, kết quả điều tra bước đầu cho thấy, các bị can đã lợi dụng việc mua, bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ, sổ sách để chiếm đoạt tiền, hưởng lợi bất chính.

Bà Lê Thuý Hằng. Ảnh: SJC.

Bà Lê Thuý Hằng. Ảnh: SJC.

Bà Lê Thúy Hằng có trình độ chuyên môn thạc sĩ Quản trị kinh doanh, thạc sĩ Tài chính ngân hàng. 

Bà Lê Thuý Hằng được UBND TPHCM bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) vào ngày 2/12/2019. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất trong ban điều hành, bà Hằng là Phó Tổng Giám đốc. 

Trong thời gian giữ chức Tổng giám đốc, báo cáo của SJC ghi nhận bà Hằng có lương cao chỉ sau ông Trần Văn Tịnh, Chủ tịch SJC.

Cụ thể, năm 2022 bà Hằng được tính toán mức lương là hơn 547 triệu/năm và năm 2023 có mức lương 552 triệu/năm, chưa tính tiền thưởng và các thu nhập khác.

Năm 2024, trước diễn biến thị trường giá vàng SJC cao hơn giá thế giới quy đổi 18 triệu đồng mỗi lượng, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng để cung ứng ra thị trường. Sau đó, từ ngày 03/6/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng TMCP gốc quốc doanh, sau đó SJC cũng tham gia bán vàng theo hệ thống này.

Báo cáo ngày 28/6/2024 của SJC do bà Lê Thuý Hằng ký đánh giá: Trong thời gian vừa qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Dự báo thời gian tới khi giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới sẽ tác động tới cả nền kinh tế vĩ mô. Thấy giá vàng lên mạnh, người dân sẽ lo sợ lạm phát tăng lên, từ đó dẫn đến hiện tượng ‘té nước theo mưa, giá các loại hàng hóa cũng có thể bị điều chỉnh tăng".

"Để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Công ty SJC đã đề ra những giải pháp bình ổn giá vàng trên thị trường, đồng thời hạn chế việc đầu cơ, tích trữ vàng", báo cáo của SJC do bà Hằng ký nêu rõ.

Báo cáo của Công ty SJC cũng đưa ra định hướng: Trước những khó khăn và thách thức, Công ty SJC sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như sử dụng vốn tiết kiệm, giảm chi phí gián tiếp và xúc tiến các hoạt động khuyến mãi, đồng thời sử dụng các công cụ tài chính, cân đối lượng vàng miếng, vàng nữ trang, trang sức, đá quý nhằm ổn định thị trường .... để cố gắng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Lần gần nhất bà Lê Thuý Hằng tiếp xúc với giới truyền thông là vào đầu tháng 8/2024 sau sự việc SJC ngừng thu mua vàng SJC 1 ký tự (được sản xuất trước năm 1996) và vàng bị móp méo do nguyên nhân khách quan. Khi đó, bà Hằng cho biết nguyên nhân công ty SJC đã bố trí đủ nguồn lực để gia công lại và sẽ tiếp tục thu mua vàng 1 ký tự, vàng bị móp méo.

Sau đó, ngày 18/10, UBND TP.HCM đã bổ nhiệm ông Đào Công Thắng làm Quyền Tổng Giám đốc SJC. 

Theo giới thiệu trên website của SJC, hiện ông Thắng là thành viên duy nhất trong Ban Tổng giám đốc. HĐTV của SJC hiện cũng chỉ có hai thành viên là ông Trần Văn Tịnh (Chủ tịch HĐTV) và ông Nguyễn Tiến Phước (thành viên HĐTV), trong khi ông Nguyễn Công Tường là thành viên duy nhất trong Ban Kiểm soát của công ty.

SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn, do UBND TP. HCM quản lý. Từ năm 2012, doanh nghiệp này được Ngân hàng Nhà nước chọn là đơn vị sản xuất độc quyền vàng miếng và chịu trách nhiệm về chất lượng vàng miếng SJC.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2023, SJC ghi nhận doanh thu lên tới hơn 28,4 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 61 tỷ đồng. Giá vốn chiếm gần hết doanh thu, lên tới gần 28,2 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, năm 2022 SJC ghi nhận doanh thu gần 27.200 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 49,2 tỷ đồng.

Trong năm 2021, doanh thu gần 17.700 tỷ đồng, lợi nhuận cũng rất khiêm tốn 43,3 tỷ đồng. Năm 2020 là 23.500 tỷ đồng và lợi nhuận gần 55,8 tỷ đồng. Năm 2019 doanh thu là 18.600 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ 52,5 tỷ đồng. Năm 2018, SJC có doanh thu 20.900 tỷ đồng, lợi nhuận 27,8 tỷ đồng. Năm 2017 doanh thu 22.900 tỷ đồng, lợi nhuận 81,3 tỷ đồng…

SJC cũng ghi nhận hàng tồn kho lớn. Tới cuối năm 2023, tồn kho (chủ yếu là vàng) đạt 1.446 tỷ đồng, rất lớn so với tổng tài sản 1.898 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm