24 tuổi, Lưu Minh Khánh (biệt danh: Khánh Ssi) đã mở cửa hàng đồ ăn Việt giữa lòng thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Cậu bạn đang theo học ngành Kinh tế tại trường ĐH Konkuk. Đồng thời cũng là TikToker sở hữu 160k follow trên trang cá nhân.
Hành trình du học Hàn không hề dễ dàng và việc mở cửa hàng giữa thủ đô Seoul cũng vậy. Trước khi thành công, Khánh từng loay hoay 2 năm đấu tranh tâm lý để tìm mục đích sống.
Trước khi trở thành ông chủ, Khánh cũng từng trải qua những cảm xúc của du học sinh nghèo khác: Nhặt nhạnh đồ thừa, đi vào siêu thị tối khuya mua đồ ăn giảm giá...
Bỏ về Việt Nam chỉ sau 3 tháng sang Hàn vì không chịu nổi áp lực, khác biệt văn hoá
Tốt nghiệp cấp 3 tại Việt Nam, cũng giống nhiều bạn trẻ đam mê với mảnh đất Hàn Quốc, Minh Khánh chọn xứ sở kim chi là điểm đến cho ngôi trường Đại học. Dự định vạch ra là thế, vừa học được 3 tháng, nam sinh rơi vào bế tắc và không tìm được định hướng. Trong đầu lúc này chỉ quanh quẩn 2 chữ: BỎ CUỘC.
DHS Việt tại Hàn Quốc - Lưu Minh Khánh
Nghĩ thế, cậu trốn về Việt Nam ngay! Nhưng sau 1 năm sau, Khánh lại quay trở lại kiếm tìm công việc ổn định, sau đó apply thành công vào Đại học Konkuk - ngôi trường đào tạo ngành Kinh tế hàng đầu ở Hàn.
Khánh tâm sự: "Một khoảng thời gian mình như bị mất phương hướng và muốn bỏ cuộc. Từng có suy nghĩ là sẽ kiếm công việc gì đó làm đủ sống qua ngày. Nhưng sau đó mình lấy lại tinh thần, bắt đầu đi tìm lại ước mơ của mình. Sau đó đi làm nhiều việc để kiếm tiền để quay lại Hàn để học. Qua biến cố lớn đó giúp mình trưởng thành và chín chắn hơn rất nhiều, giúp mình có được ý chí và con người như ngày hôm nay…"
Từng bất lực đến mức bỏ cuộc, Khánh Ssi sau cùng vẫn tìm ra được hướng đi riêng cho mình
Nói thêm về biến cố mất gần 2 năm để tìm định hướng, Khánh cho biết ngoài lý do không tìm được lý tưởng sống, một phần đến từ trở ngại khoảng thời gian đầu sang Hàn.
Nam sinh 1998 tiết lộ những khó khăn nơi xứ người: "Khoảng thời gian mới sang Hàn rất khó khăn. Là một du học sinh nước ngoài, mình cũng không tránh khỏi những khó khăn và phải thích nghi với thời tiết, đồ ăn, môi trường sống, giao tiếp, kinh tế và rất nhiều thứ khác. Nhiều lần mình bị dị ứng thời tiết tóc rụng khá nhiều, sốc nhiệt khi trời lạnh và gặp rào cản về ngôn ngữ phải sử dụng ngôn ngữ hình thể để nói chuyện với người bản xứ"
Dưới góc nhìn của Khánh, đi du học Hàn vẫn thường nhận đôi chút kì thị do khác biệt văn hoá. "Nếu bạn đến từ Mỹ hay các quốc gia nói tiếng Anh, bạn sẽ nhận được nhiều sự ưu ái hơn nếu bạn đến từ Châu Á... Nhiều bạn không dám nhận mình là giới tính thứ ba vì sợ nhiều người xa lánh coi thường" .
Chia sẻ về tips học tập hiệu quả, Khánh dành lời khuyên cho các bạn trẻ nên tập trung nghe giảng trên lớp. Không những giúp mình nắm được kiến thức vững, không bị bỏ sót bài từ giáo viên, về nhà chỉ cần ôn lại kiến thức một tí là nhớ ngay. Bên cạnh đó, Minh Khánh cũng tiết lộ về mẹo học tiếng Hàn của mình.
"Ngoài việc luyện tập ngữ pháp, từ vựng sẽ kết hợp rèn luyện khả năng nghe hiểu bằng cách nghe nhạc, xem phim bằng tiếng Hàn... và nói chuyện với Google. Đây là một trong những cách giúp mình rèn luyện phát âm khá tốt. Một lời khuyên cho các bạn hãy cố gắng học chuẩn phát âm ngay từ ban đầu, đừng ngại mà phát âm tiếng Hàn theo cách thuần Việt, sau này muốn sửa rất khó" - Nam du học sinh chia sẻ.
Nam sinh 24 tuổi không ngại dấn thân vào những công việc khổ sở để kiếm thêm thu nhập
Ngày chỉ ngủ 2 tiếng, chấp nhận làm công việc cực nhọc nhất để kiếm ra tiền
Khoảng thời gian đầu, Khánh không ngại làm những việc cực khổ nhất như làm đồng, bốc hàng, phụ quán ăn, rửa xe thuê...
Đặc thù của công việc làm đồng là nhổ tỏi và nhổ hành, phải rũ cho sạch đất đến mức "mặt còn bám đất hơn đánh phấn đi sự kiện". Nghỉ trưa phải nằm phơi mặt ra ngoài trời nắng chang chang, nhiều lúc trời nóng hơn 40 độ nhiều người làm giữa chừng thì ngất xỉu.
Công việc rửa xe cũng không khấm khá hơn. Làm việc vào ban đêm, có thời điểm thậm chí cả ngày nam sinh chỉ ngủ được 2-3 tiếng: Sáng đi học đến 6h tối ăn vội để quần quật đi làm thêm đến sáng sớm, sau đó lại bắt đầu ngày mới như thế. Dù nhiều lúc vắt kiệt sức, Minh Khánh vẫn hài lòng với những gì mình trải qua.
Minh Khánh kể: "Khó khăn khi đi làm thêm tại Hàn có thể kể như bất đồng ngôn ngữ và một số việc nặng nhọc cũng như khá là căng thẳng. Đồng thời mùa đông lạnh cũng là một khó khăn rất lớn, lúc này nhiệt độ rất thấp, ở không quen dễ bị sốc nhiệt lắm".
Cân bằng được giữa học tập và làm thêm, nam sinh vẫn đạt được thành tích học đáng nể tại Đại học Konkuk. Với điểm trung bình tích lũy trên 4.3, nam sinh nhận được học bổng 100% lên đến hơn 80 triệu VND.
Bên cạnh đó nam TikToker hiện đang đồng sở hữu quán ăn giữa lòng xứ sở kim chi. Bước đầu khởi nghiệp không mấy suôn sẻ vì dịch bệnh, nhưng hiện đã đạt được thành công nhất định.
24 tuổi trở thành "ông chủ" quán ăn Việt giữa lòng Seoul
Với đam mê quảng bá và lan tỏa những giá trị ẩm thực truyền thống của Việt Nam, chàng du học sinh 24 tuổi quyết định cùng chị gái mở quán ăn phục vụ món Việt Nam tại Hàn Quốc mang tên "Hello Sài Gòn".
"Mình nhận thấy có rất nhiều người Hàn thích ăn món Việt Nam. Đồng thời cũng chưa có nhiều quán Việt Nam ở Hàn. Việc kinh doanh quán giúp mình thoả mãn đam mê và kiếm được thu nhập hơn nữa cũng quảng bá ẩm thực và văn hoá đến bạn bè nước ngoài" - Minh Khánh tâm sự.
Quán ăn ghi điểm với du khách nhờ món ăn ngon và phong cách trang trí "đậm" Sài Gòn ấn tượng
Những ngày đầu khai trương, quán ăn gặp không ít khó khăn về kinh tế, giao tiếp và những thủ tục hành chính pháp lý, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay. Nam sinh từng sút gần 10kg vì chạy theo đam mê của mình. Không chỉ giúp khách bản địa biết thêm về món ăn của Việt Nam, đây còn là nơi hội tụ rất đông kiều bào ở nước ngoài lâu năm, nhất là những du học sinh đến thưởng thức những món ăn quê hương.
Điểm nhấn thu hút của Hello Sài Gòn là lối trang trí với câu đố viết tay theo kiểu thư pháp, thiết kế tranh vẽ và bảng hiệu, poster đều mang hơi hướng Sài Gòn. Dù không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng nơi đây là nguồn cảm hứng giúp Minh Khánh tạo ra những ý tưởng thú vị. Khách nước ngoài khi đến quán sẽ nhờ dịch những câu này để hiểu nghĩa và tò mò thích thú về món ăn, đất nước cũng như con người Việt Nam.
Lưu Minh Khánh cho biết: "Hello Sài Gòn là cái tên dễ phát âm và dễ nhớ, khi nghe đến Sài Gòn du khách sẽ tò mò tìm hiểu về đất nước mình. Thực đơn tại quán gồm những món ăn truyền thống sẽ thay đổi theo ngày như phở, cơm tấm, bún đậu mắm tôm, xôi gà , vịt nướng chao..."
Để việc vận hành quán ăn được suôn sẻ, bên cạnh đó vẫn cân bằng được việc học và bán hàng online, nam sinh 24 tuổi cho biết đã có kế hoạch hợp lý. Nam sinh sắp xếp thời gian và phân công nhân sự phù hợp với lịch biểu hoặc sẽ trực tiếp đến quán quản lý.
Định hướng trong tương lai, Minh Khánh tiếp tục phát triển ở Hàn khoảng tầm 5 năm. Sau đó về nước mang theo mô hình kinh doanh và phát triển song song cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Câu nói tâm đắc nhất của Lưu Minh Khánh: “Không bao giờ là quá già hay quá trễ để đặt cho mình một mục tiêu hoặc để mơ một giấc mơ mới cả”. Lưu Minh Khánh đã hoang phí gần 700 ngày chỉ để tìm ra cho mình mục đích sống. Và giấc mơ sẽ vẫn ở đó, không nguội đi, chỉ có lý tưởng trong bạn tàn dần nếu không hành động để thực hiện nó mà thôi!
Nguồn: TikTok, FBNV