Nếu chỉ trong giai đoạn tìm hiểu, hẹn hò thì có thể tiền không phải là vấn đề lớn. Nhưng khi bước vào hôn nhân thì tài chính là điều vô cùng quan trọng. Không ít cặp vợ chồng lục đục, mâu thuẫn cũng chỉ vì tiền bạc.
Mới đây, một giáo viên mầm non (tạm gọi là H.) đã chia sẻ câu chuyện của gia đình trên nhóm "Vén khéo". Hoàn cảnh của chị nhận được sự cảm thông lớn, không ít người bày tỏ bản thân cũng chung cảnh ngộ.
Nỗi buồn mang danh công nhân viên chức
Chị H. đã công tác được 10 năm với mức lương 6,1 triệu đồng/tháng. Nếu chị đi dạy thêm sẽ có 1 triệu đồng tiền trực trưa, còn nghỉ hè chị chỉ nhận 6 triệu đồng. Chồng chị H. là bộ đội cấp bậc Thiếu tá trong quân ngũ 15-16 năm, nhưng lương chỉ 13 triệu đồng/tháng. Như vậy, tổng thu nhập 2 vợ chồng chị khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Vợ chồng chị H. lấy nhau đã 10 năm. Năm 2014, vợ chồng chị mua được mảnh đất và làm nhà nhờ vay nợ hoàn toàn, khoản nợ là 600 triệu đồng. Vì hồi đó, tổng thu nhập 2 vợ chồng chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Chị cũng cho biết, hoàn cảnh gia đình nội ngoại còn nhiều khó khăn, không thể hỗ trợ.
Khó khăn là vậy nhưng vợ chồng chị vẫn nỗ lực vượt qua những ngày tháng gian khổ ấy. Sau này 2 con chào đời, vợ chồng chị H. cố gắng lo cho các con đầy đủ. Điều chị buồn là hiện tại, sau 10 năm, 2 vợ chồng vẫn còn khoản nợ 200 triệu đồng.
Chị H. tủi thân: "Em vào nhóm mới thấy có nhiều người rất giỏi, tuổi trẻ lương cao. Nhìn 2 vợ chồng bên ngoài ai cũng bảo giàu và sung sướng vì chồng là bộ đội, vợ giáo viên. Nhưng thực tế em không dạy thêm được, chồng là bộ đội nên lương 'ba cọc ba đồng'.
Năm nay, em 34 tuổi, chồng em 38 tuổi, nghĩ tới thu nhập và các khoản chi phí để lo toan cuộc sống mà em hoang mang quá. Chẳng biết khi nào mới hết nợ. Gánh nợ 10 năm, em chán lắm rồi".
Câu chuyện của chị H. là hoàn cảnh của không ít hộ gia đình. Nhiều cặp vợ chồng công nhân viên chức cũng chỉ có mức thu nhập ít ỏi. Họ phải tính toán chi ly để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt. Mỗi ngày, đủ khoản phí khiến họ "đau đầu" như tiền học các con, tiền chợ, ma chay hiếu hỉ,... Áp lực tài chính khiến họ mệt mỏi, hoang mang, thậm chí là chán nản, bế tắc. Hơn nữa, với đặc thù công việc, họ cũng không có thời gian để làm thêm nghề tay trái nhằm gia tăng thu nhập.
Thế nhưng, "ngước lên không bằng ai nhưng nhìn xuống", chị H. cũng như nhiều cặp vợ chồng khác còn may mắn hơn rất nhiều người. Bởi họ có sức khoẻ, bố mẹ chưa ốm đau bệnh tật, con cái được tới trường. Đó cũng là thành công lớn.
Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm, cũng như đưa ra một số lời khuyên cho trường hợp của chị H.
- Cứ hài lòng với cuộc sống của mình chị ạ! Vợ chồng nhà mình cũng hoàn cảnh tương tự. May là ngoài công việc ở trường, mình kinh doanh online nên có thêm thu nhập.
- Trong cuộc sống, bạn đừng mang tiền ra để làm thước đo cho sự thành công vì chắc gì những người nhiều tiền đã được sống tự do, hạnh phúc. Quan trọng là mình có công việc lương thiện, ổn định, gia đình hoà thuận, con cái mạnh khoẻ, vợ chồng cùng nhau nhìn về một hướng để phấn đấu. Đấy cũng là một thứ hạnh phúc mà nhiều người ao ước.
- Bạn có thể nhận trông trẻ vào hè, nhận trông trẻ khi bố mẹ đón trễ. Ngoài ra, bạn nên bán hàng online, nhận thêm việc lặt vặt về nhà làm để có "đồng ra đồng vào".
Không chỉ chị H., câu chuyện của chị M. - giáo viên THCS lương 9 triệu đồng/tháng tại trung tâm thành phố cũng khiến nhiều người xót xa. Chị M. đang nuôi 2 con - một bạn lớp 12 và một bạn lớp 7 với các khoản cố định như:
- Tiền điện, nước, phí dịch vụ (ở chung cư) trung bình: 800.000 VNĐ/tháng.
- Trả nợ ngân hàng: 2,5 triệu đồng/tháng.
- Tiền học thêm của con trung bình: 500.000 VNĐ/tháng/2 con.
- Tiền điện thoại: 200.000 VNĐ.
- Tiền xăng xe: 200.000 VNĐ.
Chị M. cho biết, còn lại chị phải chi tiêu hết sức tiết kiệm về ăn uống và các khoản phát sinh như: Thuốc men, sửa xe,... "Tháng nào có việc phát sinh thì âm nặng, cứ cuối tháng vay rồi đầu tháng trả, một vòng luẩn quẩn khiến mình mệt mỏi", chị M. thở dài.
Nguồn: Group "Vén khéo"