Câu chuyện dưới đây là của cô Mã (Trung Quốc) đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trên nền tảng Toutiao.
Vào năm 45 tuổi, tôi lên thành phố tìm việc sau một thời gian dài gắn bó với công việc đồng áng. Được người quen giới thiệu, tôi làm bảo mẫu cho bà Hồ. Khi đó, bà 70 tuổi, đầu gối bị đau, đi lại khó khăn nên cần người hỗ trợ.
Sau 1 thời gian làm việc tại đây, tôi biết rằng bà cụ này có cuộc sống khá eo le. Sống trong căn nhà rộng đến hơn 500m2 nhưng bà cụ khá cô đơn. Chồng mất từ sớm, một mình bà nuôi lớn người con trai. Tuy nhiên, sau khi du học ở nước ngoài, con trai bà ở lại sinh sống và làm việc, hiếm khi trở về nhà.
Biết được hoàn cảnh như vậy, tôi càng thương bà cụ này nhiều hơn, coi như người thân ruột thịt. Bà Hồ cũng chưa bao giờ làm khó tôi điều gì. Có gì không hài lòng, bà góp ý thẳng thắn.
Thời gian trôi qua, tròn 10 năm, tôi làm bảo mẫu cho bà Hồ. Cách đây 3 tháng, khi đang lau sàn nhà, tôi trượt chân ngã. Tai nạn tưởng chỉ thương ngoài da. Song 1 tuần sau đó đi khám, tôi bị bác sĩ yêu cầu phải nhập viện. Ngay khi đó, tôi gọi điện cho bà chủ để báo cáo tình hình.
Như một người mẹ quan tâm đến con gái của mình. Bà Hồ hỏi tôi gia đình đã biết chưa, có đủ tiền để nhập viện không. Thậm chí khi đó bà còn chuyển khoản cho tôi 10.000 NDT. Tuy nhiên, ngay sau đó, tôi cảm ơn tấm lòng của bà và chuyển lại số tiền đó.
Trong gần 1 tháng nằm viện, hầu như tuần nào, bà Hồ cũng ngồi xe lăn vào thăm tôi. Khi nhìn thấy tôi trong bộ quần áo bệnh nhân, bà cụ đã bật khóc và nói rằng vì bà cụ mà tôi bị như này. Tuy nhiên, tôi phải xua tay và khẳng định rằng đây là do không may trượt chân ngã, chứ không phải lỗi do ai.
Vào ngày cuối trước khi ra viện, bà Hồ đã đưa cho tôi 10.000 NDT. Vợ chồng tôi từ chối lấy. Tuy nhiên, khi bà cụ tỏ ra tức giận, không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi quyết định cầm khoản tiền và hứa rằng sẽ trả lại trong thời gian sớm nhất.
Sau khi ra viện, tôi trở về quê nhà nghỉ ngơi và dự kiến sẽ quay trở lại nhà bà Hồ sau khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, mới nghỉ ngơi được 1 tháng, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ con trai bà cụ. Một tin không ngờ đã xảy ra. Bà Hồ đã qua đời.
Theo lời kể của anh con trai, bà ra đi ngay trong giấc ngủ đêm hôm đó. Bác sĩ suy đoán có thể bà qua đời vì một cơn nhồi máu cơ tim đột ngột.
Ngay khi nhận được tin đau buồn này, vợ chồng tôi đã thu xếp công việc để lên nhà bà Hồ nhằm đưa tiễn bà cụ đoạn đường cuối.
Sau khi lo xong hậu sự, con trai bà cụ nhắn tôi ở lại vì có điều muốn nói. Trong cuộc trò chuyện ngày hôm đó, người đàn ông không quên gửi lời cảm ơn tôi vì đã chăm sóc cho bà cụ suốt 10 năm qua. Đến cuối, anh đưa cho tôi 1 lá thư và nhắn rằng bà Hồ gửi lại.
Sau khi về đến nhà, tôi vội mở lá thư ra xem. Toàn bộ bức thư do chính tay bà Hồ viết. Mở đầu dòng thư, bà cảm ơn tôi vì đã đồng hành và chăm sóc trong 10 năm qua. Chính sự quan tâm đó đã khiến bà không cảm thấy cô đơn ở những năm tháng cuối đời. Bà không quên nhắc nhở tôi làm việc nhưng phải giữ gìn sức khỏe. Cuối thư, bà Hồ nhắn tặng tôi 1 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 100.000 NDT (khoảng 352 triệu đồng).
Cho đến đây, tôi đã bật khóc. Trong suốt quá trình làm việc tại nhà bà Hồ tôi chưa bao giờ dám mong cầu được thừa hưởng tài sản. Tôi và bà cụ thân thiết nhưng vẫn có giới hạn. Tôi chăm sóc bà cụ suốt 10 năm và được nhận mức lương đều đặn hàng tháng. Tôi vô cùng biết ơn điều này bởi khoản tiền đó đã giúp các con ở quê có thể duy trì được việc học. Mẹ già không phải vất vả chuyện đồng áng. Thế nên dẫu biết rằng gia đình bà cụ có nhiều tài sản nhưng tôi chưa từng mơ tưởng sẽ có 1 phần trong đó.
Nhưng đến khi đọc được những dòng thư này tôi cảm thấy vô cùng ấm lòng. Bởi trong số rất nhiều người thân thiết của mình, bà Hồ vẫn dành một sự ưu ái đặc biệt cho tôi.
Đúng như những gì nhiều người vẫn thường nói miễn chúng ta tử tế với mọi người. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ được đón nhận lòng tốt từ thế giới này.