Tất cả chúng ta đều mong muốn có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, và rồi đã chấp nhận chánh niệm như một giải pháp.
Hiện có hơn 1.300 ứng dụng về chánh niệm trên cửa hàng ứng dụng. Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu này mang lại con số không tưởng: 3 nghìn tỷ đô la mỗi năm.
Trong hàng ngàn cách luyện tập chánh niệm mà bạn có thể học theo và áp dụng vào cuộc sống, có một cách mà bạn có thể chưa từng biết tới, dù nó được tin dùng bởi nhiều giám đốc điều hành hàng đầu như Arianna Huffington và các vận động viên chuyên nghiệp. Tên phương pháp đó là Sophrology - Khoa học về thần kinh.
Được phát triển từ thập niên 1960 bởi bác sĩ thần kinh học người Colombia Alfonso Caycedo, Sophrology là sự kết hợp giữa triết học và cách luyện tập của cả phương Đông và phương Tây, bao gồm việc luyện tập sự tập trung, thở sâu, hình dung và các bài vận động nhẹ nhàng mang tên Dynamic Relaxation.
Mặc dù chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng Sophrology đã được ứng dụng ở các trường học ở Thụy Sĩ và Pháp trong nhiều thập kỷ.
Một nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Kinh doanh Kent (Vương quốc Anh) cho thấy, luyện tập Sophrology ở nơi làm việc đã có tác động tích cực đến sức khỏe cả thể chất và tinh thần của nhân viên. Đội bóng bầu dục quốc gia Pháp cũng đang luyện tập Sophrology để chuẩn bị cho giải World Cup sắp tới.
Giống như các cách tập luyện chánh niệm khác, Sophrology không phải là cách chữa bệnh, mà là một phương pháp để bạn tiến gần hơn đến sự cân bằng trong cuộc sống đầy căng thẳng.
Dominique Antiglio, người sáng lập trung tâm BeSophro, giáo viên dạy Sophrology cho các cá nhân và doanh nghiệp ở Anh chia sẻ 2 cách đơn giản để bạn có thể bắt đầu tập luyện Sophrology ngay hôm nay:
Bài tập để giải tỏa căng thẳng cơ thể và trí óc
Bắt đầu ở một tư thế đứng thoải mái, nhắm mắt, và tập trung sự chú ý vào bản thân. Bạn có cảm thấy những căng thẳng thể chất trên cơ thể mình? Tâm trí có đang bị phân tâm, khiến bạn khó có thể tập trung vào một luồng suy nghĩ duy nhất?
Hãy đưa cả hay tay thẳng lên phía trên đầu và hít thật sâu, căng phồng bụng trước rồi đến ngực, và giữ hơi thở lại. Trong khi giữ hơi thở, hãy duỗi căng tất cả các bộ phận của cơ thể, từ mặt đến các ngón chân trong 3 giây.
Thả lỏng cơ thể khi bạn thở ra và hạ cánh tay trở về vị trí buông lỏng. Trong khi thở ra, bạn hãy cố gắng tập trung và cảm nhận về sự căng thẳng được giải tỏa khỏi toàn bộ cơ thể mình.
Lặp lại quá trình này ba lần một cách từ tốn, hãy dành thời gian để khám phá cảm giác thư giãn mà bạn nhận được mỗi khi thả lỏng cơ thể.
Bài tập để lấy bình tĩnh và giúp tập trung tâm trí
Bằng cách hít thở: Với tư thế đứng thẳng hoặc ngồi thẳng lưng, thực hiện hít vào ít nhất là 3 đến 4 giây (hoặc lâu hơn nếu bạn có thể). Sau đó thở ra từ 5 đến 6 giây (hoặc nhiều hơn). Để tăng sự tập trung, hãy đặt một tay lên bụng ở vị trí dưới dạ dày (bên trái) và cảm nhận sự co bóp của bộ phận này. Khi bạn hít vào, dạ dày của bạn sẽ nhô lên, và nó sẽ xẹp xuống khi bạn thở ra.
Tiếp tục nhịp thở như vậy trong 3 đến 4 phút để có được những lợi ích tối đa.
Bằng việc ậm ừ: Vẫn với tư thế đứng thẳng hoặc ngồi thẳng lưng. Hít sâu và thở ra nhẹ nhàng. Lần này bạn không cần phải đếm nhịp thở, nhưng hãy thở ra với âm thanh ậm ừ lâu hơn lúc bạn hít vào.
Sau một vài nhịp thở, hãy để ý tới việc cơ thể bạn rung động khi bạn vừa ậm ừ vừa thở ra. Cách đơn giản này sẽ giúp làm dịu tâm trí bạn và giúp tâm trí hòa hợp với cơ thể hơn.