Mỗi con người đều có trí nhớ siêu phàm nhờ không gian lưu trữ thông tin không giới hạn của bộ não. Khi bạn già đi, bộ não sẽ phải cố gắng bảo vệ bạn khỏi tình trạng quá tải thông tin. Khi đó, hiện tượng "quên" mới xuất hiện.
Vậy tại sao hầu hết chúng ta đều chưa già mà cứ "nhớ trước quên sau"? Câu trả lời chính là chúng ta chưa từng được bật mí về 8 bí mật dưới đây:
Muốn nhớ lâu, đừng ngại lặp lại
Tiếp nhận thông tin mới không hề khó khăn với bất cứ ai. Nhưng bạn sẽ quên những thông tin đó một cách cực kỳ nhanh chóng nếu không sử dụng nó.
Theo "Đồ thị đường cong lãng quên" của Herman Ebbinghaus, bạn sẽ quên 1/2 kiến thức vừa học được trong 1 giờ và nhiều nhất bạn cũng chỉ nhớ được 20% trong số chúng vào cuối ngày. Do đó, nếu muốn nhớ lâu hãy áp dụng phương pháp lặp lại ngắt quãng. Não bộ sẽ tiếp tục tăng cường và củng cố các thông tin tiếp nhận được nếu nó tiếp xúc với các thông tin này thường xuyên và liên tục. Thực chất, sự lặp lại đơn giản nhưng rất hiệu quả.
Hãy dạy cho người khác
Mô hình "Tháp học tập" được nghiên cứu và phát triển bởi Viện nghiên cứu giáo dục Mỹ trong những năm 1960. Nó đã chỉ ra rằng: bạn chỉ nhớ được 5% những gì đã nghe giảng nhưng có thể nhớ tới 90% những gì bạn dạy cho người khác.
Chính sự tập trung của não bộ trong quá trình dạy đã giúp chúng ta ghi nhớ kiến thức đã học được lâu hơn. Bạn cũng đừng quá bận tâm hay lo sợ mình sẽ mắc lỗi khi dạy cho người khác bởi nếu cứ chờ đợi sự hoàn hảo thì bạn sẽ quên những gì vừa học được nhanh như đi tàu siêu tốc.
Để dành những gì "xương" nhất cho buổi chiều
Bạn chắc chắn sẽ tăng khả năng ghi nhớ nếu bạn nghiên cứu những nội dung khó hoặc đọc nhiều tài liệu phức tạp vào buổi chiều. Đó chính là kết quả nghiên cứu từ một tạp chí uy tín ở Brazil.
Trên thực tế, ai cũng cho rằng chúng ta nên tập trung học tập, làm việc và nghiên cứu, đặc biệt là những phần khó vào buổi sáng vì đó là khoảng thời gian chúng ta tỉnh táo nhất. Nhưng thực chất, chúng ta đều bị lừa. Buổi sáng, kiến thức được thu nạp nhanh nhưng cũng biến mất rất nhanh bởi vì đây là thời điểm bộ nhớ ngắn hạn hoạt động mạnh nhất.
Hãy ngủ đủ giấc, nói không với "cú đêm"
Giấc ngủ vô cùng quan trọng, nó cho phép não của bạn được nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng sau một ngày dài. Hầu hết ai cũng biết điều này nhưng số người ngủ đủ giấc một cách khoa học thực sự không nhiều. Đó chính là lý do tại sao rất nhiều người thường than vãn rằng "Tôi chả nhớ gì cả", "Dạo này tôi toàn quên thôi".
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Psychological Reviews, những người chuẩn bị cho kì thi bằng cách ngủ ngon giấc vào đêm hôm trước thường đạt được kết quả tích cực hơn những người nhồi nhét cả đêm.
Xây dựng "cung điện ký ức"
Cung điện ký ức (còn được biết đến với cái tên "Phương pháp Loci") đã tồn tại từ thời La Mã cổ đại. Thực tế đã chứng minh rằng trí nhớ của chúng ta về âm thanh thì kém hơn nhiều so với trí nhớ về hình ảnh và xúc giác. Có nghĩa là nếu chỉ được nghe thì bạn sẽ không nhớ tốt bằng khi bạn được nhìn thấy hoặc chạm tay vào.
Do đó, hãy tự tạo cho mình một không gian tưởng tượng trong đầu. Hãy sử dụng linh hoạt, đa dạng các giác quan để mã hóa những điều bạn cần ghi nhớ một cách rõ ràng, đặc biệt nhất có thể. Đây chính là mấu chốt để "cung điện ký ức" giúp bạn ghi nhớ lâu hơn một cách dễ dàng.
Coi "sơ đồ tư duy" là bạn thân
Cùng với "cung điện ký ức", "sơ đồ tư duy" cũng là một kỹ thuật vô cùng hữu ích trong việc giúp chúng ta ghi nhớ. Nó không chỉ liên quan đến việc phân tích các thông tin mà còn thể hiện khả năng sáng tạo của con người. Những điều này sẽ khiến não bộ của chúng ta được kích thích và không ngừng phát triển.
Do đó, thay vì ghi chép kiểu truyền thống theo dòng, theo trang hãy thử phân tích, tư duy và sơ đồ hóa những nội dung cần ghi nhớ. Cùng với đó, hãy sử dụng thêm các màu sắc, biểu tượng, hình vẽ,... trong sơ đồ tư duy để não bộ được kích thích và tỉnh táo hơn.
Đừng bỏ qua kĩ thuật cổ: Vần và Nhịp
Có những bài ca dao, bài thơ được học từ bé mà đến giờ chúng ta vẫn nhớ. Có những bài hát đã học từ rất lâu mà chúng ta vẫn thuộc lời. Tại sao những bài đó chúng ta nhớ được mà rất nhiều những bài khác thì không? Lý do là những nội dung có vần điệu thường được não bộ ghi nhớ một cách dễ dàng hơn và nhớ lâu hơn rất nhiều.
Khơi dậy nguồn sức mạnh của "suy nghĩ tích cực" trong chính con người bạn.
Có thể hơi trừu tượng nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng sức mạnh của "suy nghĩ tích cực" có thể giúp chúng ta bớt quên nhiều hơn. Các chuyên gia đã nghiên cứu và khẳng định: nếu người lớn tuổi cho rằng họ đang quên thì chính suy nghĩ đó sẽ làm cho bộ nhớ của họ tồi tệ hơn. Còn những người tập trung vào những suy nghĩ tích cực thì họ có thể cải thiện trí nhớ của mình và giảm thiểu nguy cơ mất trí nhớ.