Không được chỉ nói về thành tích của bản thân, có rất nhiều việc là thành quả nỗ lực của cả tập thể
Lan mới vào công ty, rất tích cực học hỏi. Long là một nhân viên lâu năm của công ty, thấy Lan hoạt bát nhanh nhẹn nên cũng rất vui lòng kèm cặp giúp đỡ, có việc gì thích hợp là chủ động giao cho Lan làm.
Biết rằng người mới muốn ở lại công ty dài lâu thì không được quá mờ nhạt trong mắt sếp, Long thường xuyên nhắc đến Lan khi báo cáo công việc lên sếp.
Khi xét thành tích thực tập sinh, sếp gọi riêng Lan vào nói chuyện, hỏi đến tình hình làm việc như thế nào, Lan đều đề cập đến các anh chị, chứ không nhận công về mình.
Sếp nghe xong cảm thấy Lan là người thật thà, mặc dù thực lực so với các thực tập sinh khác có chút kém hơn, nhưng vẫn quyết định tuyển làm nhân viên chính thức.
Lãnh đạo thường ít thấy thiện cảm với những người chỉ biết khen bản thân mà bỏ qua cố gắng của đồng nghiệp. Họ là những người không đáng tin cậy trong mắt cấp trên.
Đừng kể mấy chuyện vặt vãnh, sếp không có hứng thú nghe đâu
Thời gian của sếp là rất quý giá, nên thường chỉ muốn nghe những việc chính, quan trọng và kết quả, còn đối với quá trình chi tiết, sếp không muốn nghe đâu.
Dù sếp không ngăn cản thì tôi vẫn khuyên bạn không nên nói, dù sao mấy chuyện này cũng chẳng có ích gì trong việc tăng hảo cảm của sếp với bạn.
Cái bạn nên nói là thành tích của công ty và kế hoạch trong tương lai. Như vậy sếp sẽ cảm thấy bạn là người có cái nhìn bao quát, tầm nhìn xa trông rộng, giúp bạn ghi điểm trước sếp.
Không được so sánh công việc của bản thân với công việc của người khác
Bạn không bao giờ nên đi so sánh với đồng nghiệp, bất kể tiến độ công việc của bạn có tốt thế nào, hay bạn mới đạt được thành tích gì đi nữa. Dù bạn có thực sự làm tốt hơn, thì đây vẫn là hành vi hạ thấp, chê bai năng lực người khác, không khác gì bạn đang chủ động tuyên chiến với họ cả.
Sếp là người có kinh nghiệm, đã gặp vô số loại người, tất nhiên sẽ hiểu bạn đang nghĩ gì khi so sánh như thế. Sự tính toán đó sẽ cho thấy bạn là người không có chừng mực, không đủ tinh tế. Mà sếp cũng chẳng muốn nghe bài báo cáo đi kèm bản đánh giá nhân viên hơn kém nhau thế nào đâu.
Hơn nữa, bạn cũng không nên vì cái lợi nhất thời mà từ bỏ mối quan hệ đồng nghiệp lâu dài.
Không được nói về các chuyện ngoài công việc
Sếp rất không thích những người nói nhiều, nói huyên thuyên.
Rất nhiều người cho rằng, mọi người ở công ty đều thích nghe mấy chuyện "dưa lê, dưa chuột" nên sếp cũng thích nghe.
Công ty của Ngọc có một đồng nghiệp nữ tên là Mai. Vì Mai vừa xinh lại vừa giỏi nên bị nhiều đồng nghiệp khác đố kị. Một thời gian sau, có tin đồn Mai là em họ của sếp.
Trong một lần báo cáo công việc, Ngọc liền kể với sếp chuyện Mai bị mọi người xa lánh. Nghe xong sếp cũng không bày tỏ thái độ gì, không trách cũng không khen.
Nhưng chuyện này lại bị mọi người biết được, cảm thấy cái kiểu người mách lẻo này là đáng ghét nhất, thế là Ngọc trở thành đối tượng bị tẩy chay.
Mấy chuyện ngồi lê đôi mách, thích nghe thì nghe, nghe xong thì quên đi, chứ đừng có tự biến mình thành người đưa chuyện. Phải nhớ rằng tai vách mạch rừng, kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.
Càng đừng kể lung tung với sếp, danh nghĩa thì là báo cáo tình hình thực tế, nhưng sếp biết vậy rồi cũng chẳng thích bạn thêm chút nào, còn mọi người biết được thì bạn sẽ rắc rối to.
Cuối cùng, mong rằng những kinh nghiệm trên đây ít nhiều sẽ có ích cho các bạn!