Doanh nghiệp

15 doanh nghiệp phi tài chính nắm trên 10.000 tỷ tiền mặt cuối quý III, PV GAS đứng số 1

Theo thống kê từ Wichart, có 15 doanh nghiệp phi tài chính có tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt trên 10.000 tỷ đồng cuối quý III/2023.

Tổng lượng tiền của 15 doanh nghiệp phi tài chính này đạt gần 349.000 tỷ đồng, chiếm gần 64% quy mô tiền mặt của các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính trên thị trường chứng khoán.

Bảng xếp hạng tổng tiền, tương đương tiền và đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn của các doanh nghiệp trên sàn. (Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ Wichart và báo cáo tài chính hợp nhất các doanh nghiệp).

Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS)  tiếp tục là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt cao nhất sàn chứng khoán tính tới cuối quý III. Song lượng tiền mặt của PV GAS đã giảm 2% so với mức kỷ lục cuối quý II về còn 39.760 tỷ đồng và chiếm 47% tổng tài sản của tổng công ty.

Với lượng tiền gửi ngân hàng lớn đã đem về cho PV GAS khoản tiền lãi 538 tỷ đồng quý III, đóng góp lớn vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Á quân nắm giữ tiền mặt trên thị trường chứng khoán là một doanh nghiệp dầu khí khác - CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) với 36.470 tỷ đồng cuối quý III, tăng 25% sau một quý.

BSR và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) cùng CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom - Mã: FOX) là ba đại diện trên UPCoM nằm trong danh sách sở hữu lượng tiền trên 10.000 tỷ nhiều quý qua.

ACV xếp ở vị trí thứ ba với 32.312 tỷ đồng tiền mặt tại ngày 30/9, tăng 3% sau một quý. Khoản tiền này chiếm 49% tài sản của ACV. ACV đã nắm giữ lượng tiền lớn có quy mô trên 30.000 tỷ đồng trong nhiều năm qua.

Trái lại, lượng tiền mặt của Hoà Phát giảm 18% so với cuối tháng 6 về còn 29.694 tỷ. 

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Có 9/15 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt trên 10.000 tỷ cuối quý III gia tăng sau một quý, trong đó Lọc hoá dầu Bình Sơn ghi nhận mức tăng mạnh nhất.

Ngoài Lọc hoá dầu Bình Sơn thì một số doanh nghiệp khác cũng có mức tăng trưởng lượng tiền nắm giữ cao trong quý vừa qua như Tập đoàn Masan (Mã: MSN), FPT Telecom, Viettel Global (Mã: VGI), PV OIL (Mã: OIL), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR).

Tập đoàn FPT (Mã: FPT) sở hữu lượng tiền, tiền gửi ngân hàng lên mức cao kỷ lục cuối quý III. Sau nhiều quý ghi nhận lượng tiền, tiền gửi ngân hàng liên tục sụt giảm, chỉ tiêu này đã tăng mạnh trở lại thời điểm 30/6 và tiếp tục ghi nhận mốc cao kỷ lục cuối quý III, đạt 26.770 tỷ đồng, vượt con số đạt được cuối quý II/2022 (26.741 tỷ đồng).

Nhiều đơn vị có lượng tiền nắm giữ chiếm tỷ trọng trên 40% trong cơ cấu tổng tài sản như: PV GAS, Lọc hoá dầu Bình Sơn, ACV, Sabeco, FPT, Thế Giới Di Động (Mã: MWG), Viettel Global, FPT Telecom.

*Tiền mặt bằng bằng tổng lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng trừ đi tổng nợ vay. (Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ Wichart và báo cáo tài chính hợp nhất các doanh nghiệp trong quý III).

  Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ Wichart và báo cáo tài chính hợp nhất các doanh nghiệp trong quý III.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm