Doanh nghiệp

Lãnh đạo Masan: "Công ty có lượng tiền mặt dồi dào"

Thông tin được ông Danny Le đưa ra trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều ngày 30/10. Đại diện doanh nghiệp thể hiện niềm tin với kế hoạch tăng trưởng quý IV tới đây cùng chiến lược tối ưu hóa lợi nhuận cho mỗi khoản đầu tư.

Về kế hoạch sử dụng vốn đầu tư từ Bain Capital, ông Danny Le cho biết, sẽ không phụ thuộc mà có những quyết định chủ động để cải thiện dòng tiền. Thương vụ dự kiến giúp tập đoàn giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính, cải thiện tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA.

"Từ năm sau, tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA sẽ tốt hơn. Chúng tôi cũng đang quản lý một số tài sản không phải cốt lõi và sẽ đưa ra quyết định phù hợp trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tích cực thực hiện các chiến lược nhằm cải thiện tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA và tối ưu bảng cân đối kế toán của công ty", ông Danny Le nói thêm.

Người tiêu dùng mua sắm tại WinCommerce. Ảnh: Masan

Người tiêu dùng mua sắm tại WinCommerce. Ảnh: Masan

Đại diện Masan cũng cho biết, lượng tiền mặt và tương đương tiền mặt của Masan tương đối dồi dào. Công ty có kế hoạch gia tăng lượng tiền mặt trong thời gian tới, đồng quan điểm "tiền mặt là trên hết" với SK Hàn Quốc - đối tác đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Masan ở nhiều cấp độ khác nhau.

Về mảng kinh doanh, doanh nghiệp duy trì tăng trưởng tốt trong ba quý, do hưởng lợi từ xu hướng mua sắm, tiêu dùng của người dân. Nổi bật là mảng hàng tiêu dùng có thương hiệu của Masan Consumer với doanh thu thuần 9 tháng đạt 20.376 tỷ đồng nhờ giải pháp tối ưu hóa giá chi phí sản xuất và nguyên liệu đầu vào. Dẫn đầu bức tranh tăng trưởng này là ngành hàng hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.

Đối với WinCommerce (WCM), CEO Masan cho biết doanh thu trên mỗi cửa hàng WCM đang tốt dần lên. Dự kiến tới quý IV, doanh thu sẽ về mức tương đương thời điểm năm ngoái. Theo ông, vị trí đắc địa của các cửa hàng đã đóng góp không nhỏ vào kết quả này song song với việc tối ưu hóa chi phí vận hành, điều chỉnh nhân sự hợp lý, thương lượng giá thuê mặt bằng, tiết kiệm chi phí marketing thông qua kênh online, digital marketing.

CEO Masan cũng cho biết, WCM đang có những giải pháp tái cấu trúc trong hoạt động logistics, kho vận và giao nhận. Doanh nghiệp có mạng lưới chuỗi cung ứng riêng, tiết kiệm chi phí logistics hơn so với trước.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn hướng đến mô hình bán lẻ phù hợp với thị thiếu người tiêu dùng, mô hình cửa hàng cao cấp, liên tục đo lường và cải thiện doanh thu của mỗi cửa hàng.

Gian hàng Chin-su tại hội chợ xuất khẩu

Gian hàng Chin-su tại sự kiện hội chợ xuất khẩu TP HCM. Ảnh: Masan

"Quý IV, chúng tôi kỳ vọng Masan Consumer Holdings (MCH) sẽ tăng trưởng ở mức hai chữ số; doanh thu của WCM tăng trưởng từ 5 đến 10%, tùy thuộc vào tăng trưởng của mỗi cửa hàng", ông Danny Lê nói thêm.

Theo báo cáo kinh doanh mới công bố, doanh thu thuần quý III của Masan đạt 20.155 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng mảng kinh doanh tiêu dùng là doanh thu 17.149 tỷ đồng, chiếm 85%. Lợi nhuận gộp quý III đạt 5.940 tỷ đồng, trong đó 97,5% cũng thuộc mảng kinh doanh tiêu dùng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm