Bất động sản

10 năm trầy trật của Quốc Cường Gia Lai ở dự án Phước Kiển

Dự án Phước Kiển với quy mô hơn 91 ha tọa lạc tại huyện Nhà Bè, TP HCM là siêu dự án gắn liền với lịch sử kinh doanh của CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG), được công ty và ban điều hành theo đuổi trong hàng thập kỷ. 

Đây cũng không phải là dự án đầu tiên mà QCG tham gia đầu tư sau khi mở rộng sang mảng bất động sản. Với khởi nguồn là xí nghiệp có mảng kinh doanh chủ lực là khai thác chế biến gỗ xuất khẩu, mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê, công ty bắt đầu chuyển hướng tìm hiểu, phát triển mảng bất động sản sau khi hợp tác với Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh làm hai dự án Khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh 1 và 2.

Từ năm 2008, công ty đã có 19 ha đất (nằm trong tổng thể dự án 152 ha của Sadeco) để phát triển giai đoạn 1 dự án Phước Kiển, tổng giá trị đầu tư được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán gần 500 tỷ đồng. Thời điểm này công ty công bố 100% sản phẩm nằm trong kế hoạch mở bán đều đã có khách hàng đăng ký mua.

Những năm sau đó, công ty tiếp tục kế hoạch mở rộng quỹ đất phát triển dự án Phước Kiển lên hơn 91 ha, mục tiêu phát triển Phước Kiển thành dự án phức hợp gồm biệt thự, nhà phố, căn hộ, khu giáo dục, trung tâm thương mại và giải trí. Tổng doanh thu dự kiến trên 14.700 tỷ đồng.

Cơ sở lập doanh thu dự kiến của dự án Phước Kiển được công bố vào năm 2018. (Nguồn: QCG).

Pháp lý dự án Phước Kiển. (Nguồn: QCG).

Mặc dù ra đời với kỳ vọng mang lại doanh thu lớn nhưng trên thực tế dự án Phước Kiển là điểm nghẽn lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của QCG. Suốt nhiều năm qua, bà Loan liên tục “kêu cứu” đến các cơ quan nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án này.

Đối thoại với lãnh đạo UBND TP HCM vào đầu năm 2020, bà Loan cho biết “đối tác nước ngoài đang rất nản, muốn rút khỏi dự án. Chúng tôi không thể biết được thời gian hoàn tất thủ tục để chuẩn bị tài chính, nộp thuế, thi công xây dựng dự án, trong khi tiền lãi phải trả cho các đối tác liên doanh ngày một gia tăng”.

Thời điểm này cựu CEO QCG cho biết ước tính tổng mức đầu tư của dự án khoảng 63.000 tỷ đồng. Công ty không đủ khả năng để tự triển khai nên đã liên doanh với đối tác nước ngoài là CTCP Đầu tư Sunny Island từ nhiều năm trước.

Hai bên đã ký hợp đồng hứa mua hứa bán, QCG đã nhận hơn 2.880 tỷ đồng (19,47% giá trị hợp đồng) từ đối tác, sau đó dùng số tiền này để tất toán nợ dài hạn gần 1.380 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, Mã: BID) chi nhánh Quang Trung và tạm ứng đền bù dự án. Đổi lại, đối tác nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ bồi thường phần diện tích 64,8 ha, chiếm hơn 70% diện tích dự án.

Ngoài số tiền nói trên, QCG còn huy động vốn cho dự án Phước Kiển từ chào bán cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt, cổ đông hiện hữu… Bà Loan cũng từng công bố công ty buộc phải chuyển nhượng dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn (quận 4, TP HCM) để bớt gánh nặng tài chính, dành nguồn lực cho dự án Phước Kiển.

Hiện trạng khu vực phát triển dự án Phước Kiển (hơn 91 ha, huyện Nhà Bè, TP HCM). (Ảnh: Hải Quân).

  • TIN LIÊN QUAN
  • C03 đang xem xét hồ sơ dự án Phước Kiển có liên quan đến Vạn Thịnh Phát hay không, Quốc Cường Gia Lai (QCG) sẽ bán dự án thủy điện để trả tiền cho Sunny Island 26/06/2023 - 07:07

  • Kê biên bất động sản của Quốc Cường Gia Lai để phục vụ điều tra giai đoạn 2 vụ án Trương Mỹ Lan 06/05/2024 - 15:43

Sự chậm trễ và không rõ kế hoạch kinh doanh đối với Phước Kiển, trong khi đây là dự án chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của công ty khiến cổ đông lo lắng và liên tục chất vấn ban điều hành nhiều năm liền.

Ngoài những vấn đề pháp lý khiến dự án đứng yên, cổ đông còn đặt câu hỏi liên quan đến đối tác sau những thông tin hai bên tranh chấp, gửi đơn khởi kiện nhau đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhất là khi cổ đông cổ đông không tìm thấy thông tin về Sunny Island đã triển khai dự án bất động sản hay như kinh doanh lĩnh vực khác.

“Liệu có hay không việc Sunny đã dùng hồ sơ 65 ha đất của dự án để thế chấp cho nghĩa vụ tài chính nào đó? Việc giao cho tổ chức trung gian làm rõ được tình trạng hiện tại của toàn bộ hồ sơ đất 65 ha và xác nhận có hay không việc hồ sơ 65 ha đã bị đem đi thế chấp?”, một cổ đông đặt câu hỏi cho bà Loan nhưng câu trả lời chỉ xoay quanh những vướng mắc pháp lý dự án.

BCTC của QCG trong 5 năm qua không thuyết minh cụ thể giá trị tồn kho của từng dự án. Lần gần nhất vào năm 2018, BCTC hợp nhất được PwC kiểm toán ghi nhận giá trị dở dang của dự án Phước Kiển trên 5.075 tỷ đồng, chiếm 74% tổng tồn kho và tương đương 44,5% tổng giá trị tài sản. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm