Sáng ngày 8/5, dưới tiết trời mát mẻ, có rất đông các thí sinh và bậc phụ huynh đến trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham dự "Ngày hội tư vấn xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2022". Ngày hội do Vụ Giáo dục đại học, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), báo Tuổi Trẻ và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm nay ước tính đã thu hút gần 10.000 học sinh tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc. Tại ngày hội, cán bộ Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục & Đào tạo) đã giải đáp mọi thắc mắc về xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển của thí sinh.
Bên cạnh đó, phiên tư vấn do Ban Tổ chức triển khai tại ngày hội với sự tham gia của nhiều đại diện cho các lĩnh vực như Kinh tế, Y Dược, Công an, Kỹ thuật Công nghệ... đã giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của thí sinh, cũng như các bậc phụ huynh về quy chế xét tuyển và định hướng chọn ngành nghề.
Cán bộ Vụ Giáo dục Đại học và nhiều đại diện của các trường Đại học tham gia giải đáp thắc mắc của thí sinh và phụ huynh về quy chế xét tuyển năm 2022
Gần 10.000 sinh viên đã tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh
Trường Đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT KHÔNG ảnh hưởng đến thí sinh nông thôn
Một thí sinh đã đặt câu hỏi: "Hiện nay, nhiều trường Đại học giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả THPT, như vậy thí sinh nông thôn - đối tượng chỉ có thể tiếp cận dễ dàng phương thức xét tuyển này có chịu thiệt thòi hay không?"
TS. Nguyễn Phong Điền (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã bác bỏ nhận định này và cho hay: "Theo thông tin từ Cơ quan quản lý Nhà nước, phương thức xét tuyển dựa theo điểm thi THPT và xét tuyển theo học bạ vẫn là 2 phương thức xét tuyển cơ bản nhất đối với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2022. Như vậy, việc một thông số thông tin cho rằng các trường Đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ ảnh hưởng đến thí sinh nông thôn là không chính xác."
TS. Nguyễn Phong Điền chia sẻ thêm nhận định: "Với các em học sinh ở vùng nông thôn, ưu điểm của các em là được cộng điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng so với khu vực đô thị. Ngoài ra, đối với các trường Đại học top đầu, ngành học hot, thí sinh phải chấp nhận sự cạnh tranh rất lớn, khi các trường này có nhiều phương án xét tuyển khác nhau".
Cùng chung quan điểm với TS. Nguyễn Phong Điền, PGS. TS Nguyễn Thu Thuỷ (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: "Trên thực tế, hiện nay có đến 95% các trường Đại học vẫn sử dụng phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT. Chỉ riêng các trường Đại học xét tuyển kèm theo môn năng khiến, như các trường Mỹ thuật thì mới chủ yếu dựa vào kết quả các phương thức xét tuyển khác.
Như vậy, con đường vào Đại học của các bạn thí sinh nông thôn vẫn không chịu ảnh hưởng quá nhiều. Nếu các bạn thí sinh không trúng tuyển vào trường này thì vẫn còn nhiều cơ hội để tuyển sinh vào các trường khác".
Phương thức xét tuyển của các trường đào tạo khối ngành Y, Dược giữ ổn định so với năm 2021
TS. Lê Đình Tùng (đại diện Trường Đại học Y Hà Nội) khẳng định: "Phương án tuyển sinh của các trường đào tạo khối ngành Y, Dược thực hiện ổn định, có ít thay đổi và điều chỉnh so với quy chế tuyển sinh năm trước.
Phương án tuyển sinh có sự đổi mới, nhưng sự đổi mới này có lộ trình. Cụ thể, một số trường dự kiến bổ sung 1 số tổ hợp xét tuyển mới so với năm 2021 nhưng tỷ lệ xét tuyển vẫn phù hợp và đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, các trường Đại học thực hiện đúng theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đó thí sinh được tạo điều kiện thuận lợi để đăng ký xét tuyển vào các trường. Bên cạnh đó, các trường Đại học vẫn đảm bảo đúng về quyền lợi của thí sinh đó là được trúng tuyển đúng với ngành nghề và phù hợp với nguyện vọng của mình nhất."
Các bạn học sinh chăm chú theo dõi lời khuyên tư vấn hướng nghiệp từ phía các trường Đại học
Học trường nghề là quyết định đúng đắn, nhưng chọn học ngành nào để ra trường có ngay việc làm?
Trong phiên tư vấn, một bạn thí sinh cho hay có định hướng theo con đường học nghề, đồng thời nhờ thầy cô tư vấn chọn trường để có ngay việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trả lời về vấn đề này, TS. Đồng Văn Ngọc (Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Cơ điện Hà Nội) nhận định: "Học nghề là một nhu cầu chính đáng. Để chọn được trường nào sau khi tốt nghiệp không lo vấn đề việc làm thì em nên bắt đầu từ việc chọn ngành yêu thích nhất để theo học. Lời khuyên của tôi là các em chọn khối ngành trước, rồi mới chọn trường. Bởi vì thực tế, hầu hết các trường Đại học theo đào tạo đa ngành nghề. Như vậy nếu chọn được ngành phù hợp, các bạn chỉ việc chọn một trường đào tạo ngành đó tốt nhất.
Hiện nay, các bạn có thể tham khảo các thông tin về trường Cao đẳng được công bố trên website hoặc Google về điều kiện học tập, chất lượng học phí và học bổng. Nhiều trường cũng đã có chính sách cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, được công bố công khai trên cổng thông thông tin. Theo tôi, đó là những trường mà các em nên cân nhắc theo học".
Bộ Công an giải đáp thắc mắc về kỳ thi riêng
Năm 2022 là lần đầu tiên Bộ Công an tổ chức kỳ thi đánh giá, sử dụng như phương thức tuyển sinh chính trong tuyển sinh. Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, Bộ Công an đã chia sẻ cho phụ huynh và học sinh về phương thức thi, cấu trúc bài thi và thời gian thi.
Cụ thể, theo kết cấu, bài thi đánh giá tuyển sinh đại học chính quy công an nhân dân (CAND) năm 2022 của Bộ Công an gồm 2 phần: Phần trắc nghiệm và phần tự luận. Thí sinh làm bài thi trong thời gian 180 phút (trong 1 buổi), trong đó phần trắc nghiệm 90 phút và phần tự luận 90 phút. Thí sinh được lựa chọn một trong 4 mã đề thi theo nguyện vọng thí sinh đã đăng ký khi sơ tuyển, bao gồm CA1, CA2, CA3 và CA4.
Năm nay, các trường CAND xét tuyển theo 3 phương thức: xét tuyển thẳng, xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ và xét tuyển kết hợp kết quả bài thi đánh giá của Bộ Công an và điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, kết quả bài thi đánh giá của Bộ Công an chiếm 60% tổng điểm xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT chiếm 40% tổng điểm xét tuyển.
Bộ Công an giải đáp thắc mắc về bài thi đánh giá riêng
Cơ hội việc làm cho ngành Tâm lý học rộng mở
Trả lời thắc mắc lên quan đến nhóm ngành Tâm lý học, PGS.TS Đặng Thu Hương (Đại diện trường Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) khẳng định: "Cơ hội việc làm cho sinh viên học ngành Tâm lý học rất cao. Không chỉ có thể đảm đương các vị trí tham vấn tâm lý trong các trường học và doanh nghiệp, sinh viên ngành Tâm lý học còn có thể trở thành chuyên gia điều trị tâm lý ở các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khoẻ tâm thần, chuyên viên tư vấn tâm lý cho tuyển dụng hoặc giảng dạy nghiên cứu về lĩnh vực Tâm lý. Hiện nay, tỷ lệ sinh viên Tâm lý học ra trường làm việc đúng chuyên ngành chiếm đến 90%".