Hầm đèo Bụt là hầm chui duy nhất và dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam nối hai tỉnh Hà Tĩnh với Quảng Bình, thuộc dự án thành phần Vũng Áng - Bùng. Chiều dài 2 ống hầm lần lượt là 716m và 840m, mỗi hầm cao 8m, rộng 15m, có 3 làn xe cùng các điểm mở rộng đề phòng sự cố trong quá trình sử dụng và hệ thống chiếu sáng bên trong.
Hầm chui đèo Bụt nối 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình trên cao tốc Bắc - Nam.
Hầm đèo Bụt nằm trên địa phận hai xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh) và Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh), có giá trị xây lắp 1.700 tỷ đồng do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đảm nhận thi công. Tại vị trí cửa Bắc hầm, tính đến thời điểm này đơn vị thi công đã dựng xong hệ thống hầm tạm để chắn đất, đá phía trên rơi xuống và tạo bước đệm vào hầm chính 12m. Hiện tại, đơn vị đang thi công đào gia cố kết cấu chống đỡ phần hầm chính.
Tận dụng thời tiết thuận lợi, trong 4 ngày nghỉ lễ, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải không tổ chức nghỉ lễ mà bố trí 100% công nhân, kỹ sư điều hành hai mũi thi công hầm, với hai máy khoan rô bốt. Ngoài ra, phía cửa Nam đang tiến hành đào bóc phong hóa, gia cố mái hầm, khoan bơm vữa cắm sắt neo mái taluy, tránh sụt trượt trong quá trình thi công. “Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, đơn vị không nghỉ lễ mà tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tiến độ dự án đúng kế hoạch. Sắp tới Hà Tĩnh bước vào mùa mưa, đơn vị đang tận dụng những khoảng thời gian trời nắng để huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị, triển khai thi công ngày đêm, hoàn thành các hạng mục công việc”, ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Ban Điều hành thi công Tập đoàn Sơn Hải cho biết.
Cách vị trí hầm đèo Bụt không xa, công nhân thuộc Công ty cổ phần 484 cũng đang ngày đêm nỗ lực thi công đào đắp hạ cấp quả đồi gần quốc lộ 12C đoạn qua xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, đây cũng là điểm bắt đầu của đoạn cao tốc Vũng Áng - Bùng. Kỹ sư Nguyễn Đức Thông, chỉ huy trưởng công trình của Công ty cổ phần 484 cho biết, tận dụng những ngày lễ, thời tiết thuận lợi nên đơn vị nỗ lực đẩy nhanh việc hạ cấp quả đồi. Mỗi ngày, các ca làm việc của công nhân, kỹ sư công ty bắt đầu từ 6h sáng tới 19h tối. Tại vị trí thi công hạ quả đồi gần quốc lộ 12C, đơn vị đã huy động tối đa nhân lực, vật lực triển khai đào hạ nền đường và thi công hệ thống thoát nước tuyến chính cao tốc. Trong những ngày lễ, vị trí này luôn duy trì 13 máy xúc, 4 máy ủi, 6 máy khoan đá nổ mìn, 8 lu rung, 50 xe chở vật liệu xây dựng cùng gần 100 nhân công miệt mài làm việc. Tới thời điểm này, đơn vị đã đào hạ cốt ngọn đồi được khoảng 1 triệu m3, đắp nền được 300.000m3.
Ghi nhận của phóng viên, tại các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh gồm dự án Diễn Châu - Bãi Vọt (dài 50km), Bãi Vọt - Hàm Nghi (dài 35,28km) và Hàm Nghi - Vũng Áng (dài 54,2km) và Vũng Áng - Bùng (dài 32,5km), không khí lao động cũng rất miệt mài, khẩn trương. Tại mũi thi công nút giao kết nối giữa đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi với đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thi công. Mặc dù dự án này mới khởi công vào ngày 1/1/2023, nhưng được yêu cầu phải hoàn thành vào tháng 6/2024, đúng với thời gian về đích của đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt nên áp lực về tiến độ thi công là rất lớn. Kỹ sư Bùi Quốc Hưng, Chỉ huy trưởng công trường mũi thi công nút giao của Công ty Vinaconex cho biết, đơn vị vẫn ngày đêm nỗ lực thi công nhằm đảm bảo tiến độ. Trong 4 ngày nghỉ lễ, trên công trường nhà thầu vẫn huy động 40 kỹ sư, công nhân cùng 6 lu rung, 3 máy ủi, 2 máy khoan cọc nhồi, 2 giàn thi công đất gia cố xi măng và 40 đầu xe chở đất, cát, chia “3 ca, 4 kíp” thi công liên tục.
Trong khi đó, dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt theo kế hoạch phải hoàn thành vào tháng 4/2024. Trong thời gian qua, dự án này nằm trong danh sách các dự án thành phần liên tục chậm tiến độ, đặc biệt là dịp lễ 2/9 năm nay dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu được thông xe đã “phả nơi nóng” đến các nhà thầu đang thi công trên tuyến. Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) thông tin, để dự án về đích đúng tiến độ, trước kỳ nghỉ lễ, doanh nghiệp dự án đã yêu cầu các nhà thầu không nghỉ lễ, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh các mũi thi công, đặc biệt là tại những vị trí khó như hầm chui, cầu, đường công vụ. Thực tế cho thấy, dịp lễ năm nay, các nhà thầu đều có kế hoặc tăng ca, tăng kíp trên công trường cao tốc Bắc - Nam, trong đó đáng chú ý như ở các hạng mục trọng điểm gồm hầm chui Thần Vũ, cầu vượt Hưng Đức bắc qua sông Lam nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nút giao kết nối cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt…
Ông Lê Đức Hào, Giám đốc điều hành gói thầu XL02 cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, dịp lễ 2/9 năm nay, nhà thầu chỉ đạo tổ chức sản xuất như bình thường với 5 đơn vị, 21 mũi thi công, hơn 150 đầu xe máy, thiết bị và hơn 200 kỹ sư, công nhân trên công trường.
Theo ông Hào, mặc dù đảm nhận các hợp phần khó như thi công cầu Thần Vũ 2, cầu Ồ Ồ, cầu vượt nút giao N5, cầu vượt QL48E, cầu Nghi Mỹ… nhưng đến nay, sản lượng thi công của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đạt gần 783 tỷ đồng, đạt gần 61% giá trị hợp đồng.
Tương tự, là nhà thầu đảm nhận các hạng mục khó như hầm chui Thần Vũ (dài hơn 1km), cầu vượt Hưng Đức (dài 4km) nhưng Công ty TNHH Hòa Hiệp đã khắc phục mọi khó khăn, tăng cường nhân lực, các mũi thi công để sớm về đích theo đúng tiến độ yêu cầu đề ra.
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh cho biết thêm, với mục tiêu đảm bảo cho dự án trọng điểm quốc gia được thi công thuận lợi, về đích đúng tiến độ, trong thời gian qua Hà Tĩnh đã tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị các điều kiện liên quan, trong đó có chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ triển khai công trình. Để chủ động nguồn vật liệu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận nguồn đá xây dựng với 16 khu vực đều đã được cấp phép khai thác, nguồn cát với 3 khu vực và 11 mỏ đất san lấp được chấp thuận.
Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư và đơn vị thi công trong việc đẩy nhanh trình tự thủ tục, hoàn thiện hồ sơ khai thác các mỏ VLXD mới, nâng công suất mỏ đang khai thác.
Chủ động tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nội dung về thủ tục, hồ sơ liên quan tới đất đai, đăng ký khối lượng khai thác, thủ tục chuyển đổi đất rừng, thuê đất, bảo vệ môi trường... qua đó, đáp ứng được nguồn vật liệu xây dựng thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn.