Công nghệ

Góc khuất của những sao nhí kiếm triệu USD trên mạng

"Năm 15 tuổi, tôi bị tai nạn ôtô. Thay vì giúp đỡ, họ chĩa ống kính vào mặt tôi và chụp ảnh đăng lên mạng", Cam Barrett, 24 tuổi, làm trong ngành truyền thông xã hội, nói.

Sau sự cố, Barrett tiếp tục được yêu cầu tỏ ra yếu đuối để có những hình ảnh phù hợp, giúp lôi kéo sự chú ý từ cộng đồng. Điều này khiến cô thấy sợ hãi và chọn cách trốn trong phòng nhiều ngày.

Mẹ Barrett muốn biến con thành ngôi sao mạng xã hội. Bà thường xuyên đăng ảnh cuộc sống lúc nhỏ của cô lên MySpace và Facebook. Thậm chí, những thay đổi về mặt sinh học trong cơ thể cô năm 9 tuổi cũng trở thành chủ đề trong một bài đăng. Tuy nhiên, việc nổi tiếng sớm khiến Barrett bị bắt nạt tại trường học.

Một sao nhí 15 tuổi giấu tên cho biết đang trong tình cảnh tương tự. Từ khi mới biết đi, cô và anh chị em phải đóng vai các nhân vật trên kênh YouTube do bố mẹ điều hành dù không hề hứng thú. Họ hướng dẫn cô biểu cảm giả tạo để làm video theo kịch bản có sẵn. Hiện kênh có hàng triệu lượt theo dõi và thu về khoản lợi nhuận khổng lồ cho hai vị phụ huynh.

Nhiều trẻ em sợ trở thành sao mạng. Ảnh: Daily Trojan

Nhiều trẻ em sợ trở thành sao mạng. Ảnh: Daily Trojan

"YouTube khiến tôi không thể kết bạn. Tôi còn phải báo cảnh sát vì bị người lạ bám theo. Bố mẹ không cho phép chúng tôi đề cập vấn đề này trên mạng xã hội. Họ duy trì tốc độ sản xuất video và an ủi anh em tôi rằng cộng đồng mạng không đáng sợ đến thế", sao nhí này nói.

Theo Washington Post, còn nhiều trường hợp Gen Z bị chia sẻ đời tư công khai vì mục đích kiếm tiền của phụ huynh. Những kênh YouTube xoay quanh sao nhí xuất hiện với số lượng lớn và thu về khoản lợi nhuận cao. Ví dụ, kênh của Ryan Kaji, KOL 11 tuổi chuyên đánh giá đồ chơi, được Google trả 29,5 triệu USD trong năm 2020. Kaji còn kiếm thêm khoảng 200 triệu USD từ hợp đồng quảng cáo với các thương hiệu nổi tiếng khác.

Sự bùng nổ quảng cáo trực tuyến qua KOL cũng giúp giá trị ngành này tăng từ 1,7 tỷ USD năm 2016 lên đến 16,4 tỷ USD năm ngoái. Tuy nhiên, nguồn thu hầu hết thuộc về nhà quản lý và phụ huynh. Những gì sao nhí nhận được không tương xứng với đóng góp của các em.

Huxley, 5 tuổi, mắc chứng tự kỷ, được Myka và James Stauffer nhận nuôi. Cậu thường xuyên xuất hiện và trở thành gương mặt thu hút sự chú ý trên kênh YouTube của hai vợ chồng. Tháng 5/2020, Huxley bất ngờ phải tìm gia đình mới dù đã giúp bố mẹ nuôi làm hàng loạt video có nội dung liên quan tới chủ đề sức khỏe. Bất chấp phản ứng từ cộng đồng, Myka Stauffer vẫn cho con mình đi với lý do không thể đáp ứng các điều kiện chăm sóc đặc biệt của cậu bé.

Ba sao nhí khác trên kênh YouTube "FamilyOFive" thậm chí bị phụ huynh lăng mạ trước khán giả trực tuyến, đồng thời bắt thực hiện các trò đùa tai hại. Kết quả, Heather và Michael Martin, bố mẹ của cả ba, bị kết án 5 năm quản thúc. Cũng trong năm 2020, hơn 17.700 người đã ký đơn thỉnh cầu chính quyền điều tra các phụ huynh điều hành kênh "8 Passengers" vì cho rằng họ lạm dụng con cái. Kênh sau đó bị YouTube xóa vĩnh viễn.

Sarah Adam, bà mẹ hai con kiêm người ủng hộ quyền an toàn trên mạng của trẻ em, cho biết cơ quan chức năng cần có thêm quy định để quản lý ngành sáng tạo nội dung trực tuyến. "Hiện sao nhí không được đảm bảo sự riêng tư cũng như các khoản thu nhập mà các em mang về cho gia đình. Cuộc sống của những đứa trẻ này bị công khai trên vlog từ nhỏ, nhưng đến 18 tuổi tài khoản ngân hàng của chúng vẫn trống không", bà nói.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal đánh giá việc sử dụng trẻ em để thu hút tương tác trên mạng xã hội sẽ làm tăng nguy cơ bóc lột trẻ. Hiện các nhà lập pháp kêu gọi thông qua dự luật bảo vệ trẻ vị thành niên trên không gian mạng. Những KOL nhỏ tuổi sẽ có quyền xóa mọi nội dung từng thực hiện, đồng thời yêu cầu đền bù số tiền hợp lý với công sức của mình.

"Dự luật nhắm vào những phụ huynh muốn sử dụng con cái như công cụ kiếm tiền trực tuyến", David Koehler, Thượng nghị sĩ bang Illinois, nói.

(theo Washington Post)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm