Từ tháng 3 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành liên tục. Lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn giảm cộng lại lên đến 150-200 điểm cơ bản (bps), lần lượt xuống còn 3% và 4,5%.
Trong tuần cuối của tháng 8, các NHTM đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong đó, 4 NHTMCPNN là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động trong ngày 23/8, với mức giảm 30 - 50 điểm cơ bản ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Các NHTM khác có mức giảm phổ biến trong khoảng 10 – 30 điểm cơ bản. Tính đến hiện tại, lãi suất niêm yết dành cho KHTC cho kỳ hạn 12 tháng tại nhóm NHTMCPNN là 5,2% và 5,9% cho nhóm NHTMCP lớn.
Dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động không còn nhiều
Theo CEO của WiGroup, ông Trần Ngọc Báu, tốc độ thẩm thấm của chính sách tiền tệ vào nền kinh tế khá chậm. Mặc dù đã giảm lãi suất nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp kỷ lục. Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ thì giảm lãi suất không mang nhiều ý nghĩa.
Theo NHNN, tính đến cuối tháng 7, vốn tín dụng cho nền kinh tế mới đạt khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với đầu năm. Như vậy, sau khi có sự hồi phục trong tháng 6, tín dụng đã ghi nhận trưởng âm so với tháng trước và thấp hơn đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%).
Hơn nữa dư địa giảm lãi suất không còn nhiều khi lãi suất ở tất cả các kỳ hạn và cả ở thị trường 1, thị trường 2 đều đã về gần vùng trước khi tăng lãi suất vào tháng 5, tháng 6/2022.
Ông dự báo NHNN vẫn phải đi theo hướng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ chứ không giảm mạnh thời gian qua. "Nhà điều hành có thể chỉ sử dụng công cụ giảm lãi suất 1-2 lần nữa do không gian không còn nhiều", CEO WiGroup nói.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động sẽ không còn lớn do mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Ngoài ra, với việc lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại cùng rủi ro tỷ giá lớn hơn, mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể sẽ giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua.
"Trong tháng 8, lãi suất huy động 12 tháng (mẫu theo dõi của BVSC) trung bình đạt 6,08%, đã giảm trở lại 10 điểm cơ bản (bps) so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 92 bps so với trung bình hồi tháng 7 và giảm tới 235 bps so với cuối năm 2022. Mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch COVID-19", BVSC cho hay.
Trước đó tại hội thảo hồi cuối tháng 7, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng chính sách tiền tệ đã quá sức, cần xem xét lại việc kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong hỗ trợ nền kinh tế. Ông cũng nêu quan điểm cách tiếp cận chính sách hiện nay chưa đúng. Theo ông, điều quan trọng đầu tiên là phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến cần cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng từng cảnh báo dồn dập hạ lãi suất chưa chắc kích thích được đầu tư ngay lập tức, do độ trễ chính sách rất lớn trong khi đó tình hình kinh tế lại biến động rất nhanh.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động do chính sách tiền tệ đã đạt đến điểm giới hạn, nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động sẽ gây ra nhiều hậu quả. Chuyên gia nhấn mạnh tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập và cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%.
Nhà điều hành sẽ sử dụng những công cụ khác để hỗ trợ kinh tế
Theo nhận định của ông Trần Ngọc Báu, từ cuối năm đến đầu năm 2024, nhà điều hành sẽ tập trung các giải pháp nhằm khơi thông cung tiền và tín dụng. Điều này liên quan đến phục hồi ở khu vực sản xuất và sức khỏe các ngân hàng tốt khiến họ cho vay trở lại.
Trong thời gian chờ đợi hai điều trên xảy ra, Chính phủ sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ ngành ngân hàng.
Nhằm hỗ trợ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, NHNN đã ban hành Thông tư số 10 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39 (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023) về một số nhu cầu vốn không được cho vay, có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
"Nhà điều hành sẽ mềm mỏng hơn trong điều tiết nhằm mở rộng cung tiền và tín dụng thay vì sử dụng công cụ lãi suất nhiều như thời gian vừa qua", ông Báu nói.