Ngày 30/8, thông tin nhanh với phóng viên Gia đình & Xã hội, bà Đỗ Thu Hằng - đại diện Savills Hà Nội (một đơn vị cung cấp dịch vụ bất động sản) cho rằng, thị trường bất động sản nói chung sẽ tiếp tục yên ắng cho đến khi lãi suất tiền gửi giảm và có thêm nguồn cung mới.
Theo bà Hằng, trong năm nay, Gia Lâm và Đông Anh sẽ trở thành quận trong năm nay nên trong quý 2/2023, khu vực này chiếm 29% nguồn cung sơ cấp TP Hà Nội và 34% số lượng giao dịch.
Từ 6 tháng cuối năm 2023 trở đi, Gia Lâm và Đông Anh sẽ cung cấp 19.500 căn hộ.
Đến năm 2025, Hoài Đức, Đan Phượng và Thanh Trì sẽ trở thành quận. Sự phát triển cơ sở hạ tầng như đường vành đai 3,5 và 4 được kỳ vọng thúc đẩy nguồn cung tương lai và số lượng giao dịch tại các khu vực này.
Theo chuyên gia, Hà Nội dự kiến có thêm khoảng 157.000 hộ gia đình. Do đó, ngoài nguồn cung các hạng căn hộ, nhà ở thấp tầng, nhà ở xã hội dự kiến mở bán thì Hà Nội sẽ tồn tại sự thiếu hụt khoảng 70.300 nhà ở.
Theo bà Hằng, trong 6 tháng cuối năm 2023, 9 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ mở bán 7.000 căn hộ. Các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm và Hoàng Mai sẽ có tổng cộng 73% thị phần.
Nguồn cầu nhà ở dài hạn vẫn duy trì ở mức cao do tăng trưởng dân số và và tỷ lệ đô thị hóa cao.
Bà Hằng nhận định, từ năm 2023 đến năm 2025, thành phố sẽ có thêm 157.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, nguồn cung tương lai gồm 59.000 căn hộ (các hạng), 9.000 nhà ở thấp tầng và 18.700 căn nhà ở xã hội dự kiến mở bán; do đó, tồn tại sự thiếu hụt 70.300 nhà ở.
Về tăng trưởng giá bán nhà ở, bà Hằng cho biết, giá bán sơ cấp căn hộ tăng trung bình 1% theo quý và tăng 17% theo năm, đạt khoảng 53 triệu đồng/m2. Giá căn hộ tăng liên tục trong 18 quý và cao hơn 73% so với quý 1/2019.
Nguyên nhân là do giá đất và chi phí xây dựng tăng, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng.
Giá thứ cấp trung bình các dự án gần nhà ga Đường sắt đô thị tuyến số 2A cũng tăng 22% theo năm, cao hơn mức tăng 13% theo năm của toàn thị trường.
Theo chuyên gia, giá bán sơ cấp căn hộ tăng trung bình 1% theo quý và tăng 17% theo năm, đạt khoảng 53 triệu đồng/m2. Giá căn hộ tăng liên tục trong 18 quý và cao hơn 73% so với quý 1/2019.
Theo đại diện Savills, Hà Nội đang ghi nhận lượng FDI đăng ký cao nhất Việt Nam, theo sau là TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương và Hải Phòng. Do đó, FDI tại các tỉnh thành lân cận sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn cầu căn hộ dịch vụ tại Hà Nội.
Phân tích về thị trường, bà Hằng cho rằng, để thị trường đi lên, cần có giải pháp đồng bộ từ tất cả các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, cần có sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp từ chính sách pháp luật, hoàn thiện các Luật sửa đổi như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, để từ đó giúp có thêm nguồn cung mới và định hướng rõ ràng cho thị trường, rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt các dự án.
Ngoài ra, cần có các chính sách giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… để hài hòa lợi ích chung, hướng đến phát triển thị trường ổn định, bền vững.
Thêm vào đó, phát triển hạ tầng giao thông tiện ích giúp người dân dễ dàng di chuyển giữa các khu vực, tạo sự linh hoạt, sẽ phát huy tối đa nhu cầu về nhà ở.
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần rà soát toàn bộ danh mục dự án, phân loại dự án theo nhiều hướng như: bán buôn, bán lẻ hay đưa ra thị trường trước sản phẩm đủ điều kiện pháp lý, có thể thu hút người sử dụng, tiềm năng để đầu tư.
Đồng thời, cần có chính sách bán hàng hấp dẫn, linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng như: thanh toán sớm, thanh toán dài, cần hỗ trợ ngân hàng với tỷ lệ vay đa dạng.
Đối với các dự án chưa thể tung ra thị trường, cần xem xét cân đối đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thủ tục, cân nhắc hợp tác đầu tư với các chủ đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, tài chính, đang muốn tham gia thị trường với cấu trúc hợp tác phát huy rõ thế mạnh của mỗi bên. Trong đó, cải thiện dòng tiền cho dự án là một trong những nhiệm vụ trong tâm cần hướng đến.
Dự báo triển vọng của thị trường bất động sản những tháng cuối năm, bà Hằng cho rằng, thời điểm và khả năng hồi phục của thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn, sản phẩm phù hợp…