Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: C.TUỆ
Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ như vậy tại hội nghị phổ biến thông tin sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc diễn ra chiều 12-9.
Theo bà Hương, hiện nay diện tích vùng trồng được Trung Quốc cấp mã chỉ chiếm 3-4% diện tích trồng sầu riêng tại Việt Nam, trong khi nhu cầu đăng ký xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn/năm, lớn hơn rất nhiều sản lượng được cấp mã hiện nay.
"Nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh và gian dối trong xuất khẩu, nguy cơ mất thị trường nếu vi phạm quy định hoặc sản phẩm không đạt chất lượng" - bà Hương nói.
Theo bà Hương, tại cửa khẩu có một số lô hàng sầu riêng đăng ký xuất khẩu, qua kiểm tra của chi cục kiểm dịch thì những vùng trồng đó chưa được ủy quyền hoặc lấy mã vùng trồng mà ở vùng trồng đó mới là ra hoa, quả non.
"Nếu Trung Quốc phát hiện thì toàn bộ công sức bốn năm đàm phán của chúng ta đổ sông đổ biển" - bà Hương cảnh báo.
Bà Hương đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thương mại chỉ nhập hàng và đóng gói tại vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Trường hợp không sở hữu vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số thì phải có giấy ủy quyền hoặc xác nhận của đại diện/chủ mã số bằng văn bản.
"Không được gian lận mã số, sử dụng mã số khi chưa được phép, trộn hàng từ vùng không được cấp mã số dẫn đến mất uy tín của hàng sầu riêng Việt Nam, thậm chí mất thị trường" - bà Hương nhấn mạnh.
Đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói, ngoài việc thực hiện đúng theo các yêu cầu, quy định của nghị định thư thì cần có biện pháp bảo vệ mã số đã được cấp, trước mắt khi ủy quyền xuất khẩu sẽ phải thông tin ngay về cục để tránh gian lận mã số.
Còn Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết cục đang phối hợp cùng tỉnh Đắk Lắk để chuẩn bị xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc.
Dự kiến từ đầu tuần tới, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có thể xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định sầu riêng là ngành hàng còn nhiều tiềm năng, song cũng cần lưu ý những rủi ro, đặc biệt là rủi ro từ nội địa.
Vui mừng khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nhưng ông Hoan cũng đầy trăn trở với các ngành hàng nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng.
Dẫn câu chuyện của một số ngành nông sản khác, như vú sữa Lò Rèn Tiền Giang xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhưng giờ vú sữa Lò Rèn không còn hoặc còn rất ít. Vậy, chúng ta làm sao để trái sầu riêng không đi vào "vết xe đổ" của vú sữa Lò Rèn.
Ông Hoan nhấn mạnh nghị định thư xuất khẩu mặt hàng này có được sau bốn năm vất vả, trăn trở và thậm chí còn có những đánh đổi nhất định trong thương mại song phương.
"Chúng ta hôm nay mang tâm thế của những người sắp vươn xa, mà muốn vươn xa thì phải đi cùng nhau. Song, khi lợi ích không được minh bạch, công khai, thì rất khó vươn xa. Tôi rất kỳ vọng chúng ta làm được nhiều điều lớn hơn" - ông Hoan nói.