Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An đưa ra tại lễ ký kết hợp tác giữa Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An và Công ty TNHH Tập đoàn An Nông về sản xuất nông sản an toàn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả ngày 9/9. Theo ông Út, trong năm qua, tỉnh đã giao các Sở, ngành liên quan để kiếm và đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 1-2 sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Tìm kiếm sản phẩm đặc trưng cũng là trăn trở của địa phương trong nhiều năm qua. Long An sở hữu thế mạnh về nông nghiệp khi có đến 350.000 hecta đất trồng với rất nhiều sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, chưa có sản phẩm nông nghiệp nào định hình thương hiệu gắn liền với tỉnh. "Long An sản phẩm gì cũng có, thanh long, bưởi... Tuy nhiên, sản phẩm nào cũng na ná, tương tự như các sản phẩm của các địa phương khác, không có sản phẩm đặc trưng, đặc sắc để khi nói tới là người tiêu dùng nhận biết là sản phẩm của Long An", ông Út nói.
Người đứng đầu UBND tỉnh kỳ vọng trong thời gian tới, những sản phẩm đặc trưng sẽ thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp. Ông Út bày tỏ mong muốn các Sở, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng vùng trồng và kế hoạch quảng bá cho các sản phẩm để không chỉ được người tiêu dùng nhận biết mà còn đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Để hỗ trợ ngành nông nghiệp nâng cao chất lượng nông sản, buổi lễ ký kết ba bên cũng thống nhất nhiều nội dung như tập huấn thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; xây dựng mô hình và truyền thông. Địa phương Tây Nam Bộ đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, 360 đại lý và khoảng 2.520 nông dân được tập huấn chuyên môn sâu về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; 100% các bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được thu gom đúng quy định; xây dựng 11 mô hình cùng nông dân bảo vệ môi trường các vùng chuyên canh,...
Ngoài ra, các bên sẽ thực hiện một số nội dung như: đẩy mạnh chương trình IPHM, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên cây trồng nhằm giảm dư lượng thuốc hóa học. Ngành nông nghiệp cũng thực hiện hương trình quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thỏa thuận được thực hiện từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2025, triển khai tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Châu Thành, Tân Trụ và Cần Đước.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Nguyễn Thanh Truyền, việc triển khai những nội dung được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho nông dân trong tỉnh có thêm kiến thức để vận dụng vào sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững.
Trong khi đó, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết đã xây dựng 4 chương trình trọng điểm để đưa vào thực tế. Chương trình quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, phục vụ xuất khẩu là nội dung hiện được nhiều địa phương quan tâm và tích cực thực hiện. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ký kết hợp tác với 35 doanh nghiệp, mở trên 47.000 lớp tập huấn sử dụng thuốc, phân bón an toàn, tiết kiệm.
Thời gian tới, Cục sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến việc sử dụng thuốc sinh học, phân bón hữu cơ và tăng cường giám sát đối với các cây trồng chủ lực, nhất là vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, để hàng nông sản Việt vượt rào cản an toàn thực phẩm, xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Hiện nay, tỉnh Long An có khoảng 350.000 hecta đất trồng các loại nông sản. Tỉnh có nhiều cây trồng khác nhau với thế mạnh là lúa, ngoài ra còn nhiều sản phẩm đặc sản như gạo Tài nguyên, gạo Nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, dứa Bến Lức, đậu phộng Đức Hòa, mía Thủ Thừa, thanh long Châu Thành, rau Cần Giuộc... Đặc biệt, lúa gạo chất lượng cao là sản phẩm nông nghiệp chủ lực phục vụ xuất khẩu nhiều năm qua.