Nếu có điều kiện, hãy phá dỡ làm mới toàn bộ nhà
Anh Nguyễn Dư (38 tuổi) vừa xây xong căn nhà 4 tầng ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh gần đây. Diện tích mảnh đất là 65m2, với phần ban công 1,4 m nên tổng diện tích xây dựng xấp xỉ 280m2. Chi phí hoàn thiện căn nhà là 1 tỷ 485 triệu đồng, và gia đình anh Nguyễn Dư không cần vay nợ xây nhà.
Toàn cảnh căn nhà của Nguyễn Dư
Anh chia sẻ rằng mảnh đất này gia đình mua vào tháng 10/2020 nhưng đến tháng 02/2022 mới quyết định xây nhà. "Trước đó, cuối năm 2021, vợ chồng mình đã sửa lại nội thất nhà cũ nhưng vẫn không được như ý nên sau đó quyết định xây nhà mới, nhà cũ để cho thuê. Mảnh đất 65m2 vốn dĩ dành cho đầu tư. Nếu đúng kế hoạch, mình tính bán mảnh đất này để quay vòng vốn đầu tư miếng to hơn và tiềm năng tốt hơn".
Theo Nguyễn Dư, để tránh trường hợp cải tạo rồi nhận ra không phù hợp và phải xây nhà mới, nếu có điều kiện, mọi người nên phá dỡ làm lại toàn bộ nhà. Hoặc ít nhất tháo dỡ toàn bộ hệ thống điện nước cũ, nền gạch, và tường chỉ giữ lại phần kết cấu. Bởi vì, nhà cải tạo rồi vẫn luôn gặp rủi ro trong công năng, có thể gặp vấn đề bị thấm nước, tức là hệ thống đường điện, nước ngầm không đảm bảo. Bên cạnh đó, phần tường sơn sửa lại một thời gian sau vẫn có thể hỏng hóc.
Ngoài ra, sau nửa năm mua mảnh đất này, anh thấy rằng mật độ xây dựng xung quanh khá nhanh, khá tiện lợi trong việc di chuyển, gần trung tâm, chợ, trường học và cũng gần nhà bố mẹ vợ. Do vậy, gia đình anh Nguyễn Dư chỉ sau 1 ngày bàn bạc đã quyết định xây nhà trên mảnh đất này và 7 ngày sau ký hợp đồng xây dựng. "Mình chưa từng nghĩ đến việc ở chung cư, bởi vì nơi mình ở là thành phố nhỏ, người dân chưa chuộng cũng có như có thói quen ở căn hộ".
Trong quá trình xây dựng phát sinh 300 triệu đồng
Có kinh nghiệm làm trong ngành kế toán, anh Nguyễn Dư đã cố gắng và tự lên các dự toán trong ngân sách xây nhà. "Gia đình mình xây nhà có phát sinh vượt dự toán ban đầu khoảng 300 triệu đồng do thời điểm bắt đầu khởi công giá vật liệu xây dựng tăng đỉnh điểm. Trong quá trình mua sắm thiết bị, vật tư, vật liệu hoàn thiện đã lựa chọn loại tốt hơn so với kế hoạch ban đầu".
Theo anh, rất khó để có thể "cân đo" chính xác trong kế hoạch tài chính xây nhà. Bởi vì, trên thực tế, giá vật liệu luôn thay đổi, và phụ thuộc vào quyết định khi mua sắm. Ví dụ, 1m2 gạch ốp lát cùng mẫu mã như nhau nhưng giá có thể chênh lệch từ 300-600 nghìn/m2. Gạch loại 1 và loại 2 đã chênh gấp 2 lần, chưa kể đến khả năng chống nước, cốt gạch,...
Do vậy, để không bị vượt dự toán, lúc đi mua sắm nên tuân thủ đúng loại ban đầu đã lên kế hoạch. Song thực tế, theo chia sẻ của nhiều chủ nhà, họ thường có tâm lý muốn mua được loại tốt nhất ngay từ đầu, nên quyết định mua sắm luôn bị chi phối. "Mình làm nghề kế toán nên lập dự toán cũng tương đối chuẩn. Nhưng do tâm lý thôi cố 1 tí nên mới bị vượt. May mắn, khoản vượt này cũng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tài chính của mình".
Hơn thế nữa, khi được hỏi tại sao không sử dụng khoản vay nợ, anh Nguyễn Dư chia sẻ rằng các khoản đầu tư, mua sắm… anh đều có kế hoạch và nguồn riêng biệt. Trong đó, các khoản đầu tư mới nên dùng đến đòn bẩy tài chính, còn mua sắm, tiêu dùng thì dùng 100% vốn chủ. Nhiều người coi việc làm nhà là đầu tư nhưng anh coi làm nhà là mua sắm, hưởng thụ.
"Khi bắt đầu hoàn thiện xong phần thô, mình thấy tài chính so với dự toán vẫn còn dư dả khá nhiều nên chủ quan không cân đối lại. Chi tiêu không theo kế hoạch 1 số hạng mục dẫn tới vượt dự toán như đã kể trên. Tuy nhiên vẫn trong khả năng nên cũng không có gì đáng ngại, chỉ là việc phải cân đối lại tài chính giữa các nguồn", quan điểm của Nguyễn Dư trong việc lên kế hoạch tài chính xây nhà.