Cổ phiếu Twitter bị dừng giao dịch kể từ ngày 28/10/2022, sau khi Elon Musk chốt 'deal' mua lại mạng xã hội này với giá trị thương vụ lên tới 44 tỉ USD. Musk được cho đã làm đảo lộn Twitter khi sa thải một nửa nhân sự, cố gắng kiếm tiền từ tài khoản tích xanh.
Việc cổ phiếu Twitter 'rời sàn' khiến những đánh giá về quá trình tái cấu trúc mạng xã hội này của Elon Musk 'khuyết' đi phản ứng từ thị trường tài chính – 'nơi' các công ty công nghệ đang chịu nhiều áp lực phải chứng minh khả năng sinh lời trước các nhà đầu tư Phố Wall.
'Deal' Twitter mang bóng hình của một thương vụ mua lại tài sản bằng vốn vay (Leveraged Buyout – viết tắt: LBO). Đây là phương thức phổ biến được sử dụng trong các thương vụ M&A. Cụ thể, bên mua sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính (đi vay) để mua lại công ty mục tiêu, sau đó dùng tài sản và dòng tiền của doanh nghiệp mua được để trả nợ vay.
Như VietTimes từng đề cập, dù là người giàu nhất thế giới với khối tài sản 210 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index, Elon Musk vẫn cần tới sự trợ giúp để hoàn tất thương vụ Twitter.
Tháng 4/2022, Musk cho biết đã thu xếp được 46,5 tỉ USD để mua lại Twitter. Trong đó, 'vốn tự có' của Musk vào khoảng 21 tỉ USD (một phần đến từ việc bán cổ phiếu Tesla). Morgan Stanley và một số định chế tài chính khác cam kết tài trợ hai khoản vay, lần lượt có trị giá 13 tỉ USD và 6,25 tỉ USD. Ngoài ra, Musk còn huy động thêm 7,1 tỉ USD từ nhóm 19 nhà đầu tư khác.
Thương vụ được cho là sẽ khiến Twitter phải gánh thêm khoản nợ lên tới 13 tỉ USD – số tiền mà Morgan Stanley và một số định chế khác cam kết tài trợ.
Do có xếp hạng tín dụng ở dưới mức đầu tư, Twitter khả năng sẽ ghi nhận 'núi nợ' này dưới dạng các khoản vay (6,5 tỉ USD) và trái phiếu rác (junk bonds, 6 tỉ USD). Cùng với đó, các nhà băng cũng sẽ cung cấp cho Twitter một khoản vay đặc biệt có hạn mức 0,5 tỉ USD. Các ngân hàng tài trợ cho thương vụ sau đó sẽ tìm cách chuyển giao rủi ro dưới dạng các khoản nợ dài hạn cho các nhà đầu tư bên ngoài.
Đối với Twitter, gánh nặng nợ tăng thêm buộc công ty này phải cắt giảm chi phí, tìm cách cải thiện thu nhập nhằm trả chi phí lãi vay và trả nợ gốc.
Khối nợ có thể khiến Twitter chịu nhiều tổn hại nếu không thể phát triển đủ nhanh, theo Bloomberg.
Ngay khi hoàn tất thương vụ trị giá 44 tỉ USD, Elon Musk đã sa thải CEO Parag Agrawal và toàn bộ ban giám đốc Twitter. Musk sau đó tiếp tục cắt giảm 50% nhân sự của mạng xã hội này. Đến ngày 16/11, Musk gửi 'tối hậu thư', yêu cầu những nhân viên còn lại của Twitter lựa chọn làm việc với cường độ cao hoặc xin nghỉ.
"Để xây dựng Twitter 2.0 đột phá và thành công trong một thế giới ngày càng cạnh tranh, chúng ta sẽ cần phải cực kỳ chăm chỉ", Musk viết.
Cùng với việc đại tu nhân sự, Elon Musk cũng thúc đẩy việc thu phí 8 USD/tháng đối với các tài khoản có tích xanh. Tới ngày 25/11, vị tỷ phú này cho hay, ngoài tích xanh để xác minh tài khoản chính chủ, mạng xã hội này sẽ có thêm tích vàng dành riêng cho các công ty và tích xám cho tổ chức chính phủ. "Đau đớn, nhưng cần thiết", Musk nhấn mạnh.
"Về cơ bản, Musk đang 'đốt cháy' Twitter tới tận cốt lõi và đặt từng viên gạch một để xây lại nó", Dan Ives - Giám đốc điều hành và nhà phân tích cổ phiếu cao cấp tại Wedbush Securities – nói với The Sunday Times.
Twitter 2.0 dưới 'triều đại' Elon Musk
Vị tỷ phú người Mỹ từng cho biết thương vụ thâu tóm Twitter là bước đi quan trọng giúp ông tiến gần đến tham vọng tạo ra 'siêu ứng dụng X'. Ở đó, 'phiên bản' Twitter 2.0 sẽ tích hợp thêm các tính năng về cuộc gọi, mã hóa tin nhắn, thanh toán và cho phép người dùng tweet dài hơn.
“Tôi nghĩ một khi Twitter đi đúng hướng, nó sẽ dễ quản lý hơn nhiều so với SpaceX hay Tesla", Musk nói trước đám đông các nhà quản lý tài sản và nhà đầu tư tại một sự kiện ở New York.
Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi về cách Elon Musk điều hành Twitter với lý do việc điều hành một mạng xã hội khác xa so với những Tesla hay SpaceX. Đó không chỉ là vấn đề về công nghệ.
Chia sẻ quan điểm trên tờ Barron's, Matt Navarra - nhà tư vấn truyền thông xã hội – cho rằng, Elon Musk đang áp dụng phương pháp thử và sai trên quy mô lớn thay vì học hỏi từ các chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo và an toàn người dùng.
Theo đó, nhà điều hành công ty truyền thông xã hội phải suy nghĩ về việc kiểm duyệt và xây dựng các tính năng mới để làm hài lòng người dùng; bảo vệ các thương hiệu để thu hút các nhà quảng cáo; cũng như xây dựng cách kiếm tiền cho những người sáng tạo nội dung trên nền tảng.
Elon Musk dường như coi Twitter là một sản phẩm mà ông chỉ cần xây dựng đúng cách để thành công, nhưng nền tảng mạng xã hội này dường như phức tạp hơn thế rất nhiều.
Một nền tảng xã hội muốn trở thành “quảng trường thành phố toàn cầu” phải cẩn trọng trong khâu kiểm duyệt, khả năng tiếp cận người dùng và tuân thủ mạng lưới luật pháp phức tạp ở các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Sau cùng, Matt Navarra cho rằng, đừng mong đợi Twitter 2.0 mà Elon Musk xây dựng sẽ quá khác biệt./.