Tính từ năm 2012, chỉ số Việt Nam luôn đứng trên chỉ số Dow Jones về sức mạnh. Đây cũng là điều hiển nhiên bởi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam lớn hơn các thị trường phát triển khác. Năm 2018, chỉ số chứng khoán Việt Nam bứt hẳn lên vùng cao, tăng 234% so với năm 2012, trong khi đó Dow Jones tăng khoảng 114% tuy nhiên sau đó ngay lập tức gặp áp lực điều chỉnh.
Năm 2020, dịch COVID-19 đã khiến tất cả chứng khoán thế giới lao dốc, cả VN-Index lẫn Dow Jones đều rơi ở mức rất sâu nhưng đến thời điểm hiện tại, khoảng cách giữa hai chỉ số đang tương đối hợp lý, khoảng 1,6 – 1,7 lần.
Trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh CTCP Chứng khoán KBSV, cho rằng Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng. Bất chấp sự hoảng loạn của nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhiều nhóm ngành vẫn không di chuyển quá mạnh so với đỉnh 1.350 điểm, điển hình có thể kể đến như năng lượng, thực phẩm, hay cao su, dầu khí và công nghệ.
Đứng ở góc độ đầu tư thì dù chỉ số dao động như nào nhưng điều quan trọng vẫn là món hàng chúng ta cầm đó là món hàng gì. Mỗi kiểu đầu tư trung, dài và ngắn hạn đều phải có những sự lựa chọn khác nhau tuỳ theo từng thời điểm. Thời gian ngắn, rủi ro cao và thời gian dài, rủi ro thấp.
Theo thống kê trong 10 năm vừa qua, dù chỉ số tháng 9 có giảm hay tăng thì mức độ dao động cũng không quá lớn. Ông Nhân đánh giá những dao động lớn thường diễn ra vào cuối năm hoặc đầu năm vì vậy mọi người có thể yên tâm rằng tháng 9 thị trường sẽ tăng nhẹ hoặc giảm nhẹ tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là chúng ta phải chọn đúng nhóm ngành.
Ở vùng điểm số 1.280 hiện tại thì tất cả nhà tư vấn đều thận trọng hơn bởi đây có thể là đỉnh của một con sóng hồi trung hạn nhưng nó cũng có thể là bắt đầu của một uptrend.
Với những nhà đầu tư cẩn trọng, nhiều khả năng họ sẽ bán bớt, giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục để chuẩn bị cho việc điều chỉnh giảm nhằm có sức mua. Tuy nhiên, với những NĐT kỳ vọng và nhìn vào tương lai tươi sáng thì họ có thể nhận định đây là chân của một xu hướng uptrend.
Về vấn đề cơ cấu của các quỹ ETF lớn trên thị trường, FTSE Rusell vừa công bố loại cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền và cổ phiếu SBT của CTCP Thành Thành Công – Biên Hoà ra khỏi danh mục của FTSE Vietnam Index trong khi không thêm mới cổ phiếu nào ở đợt cơ cấu quý III.
Trong tất cả kỳ cơ cấu của quỹ nói chung, thứ 6 tuần thứ ba của quý I, II, III, IV là ngày cuối cùng mà các quỹ chốt danh mục. Thông thường, vào 3 tuần đầu tiên đó, chỉ số không tăng mạnh bởi danh mục các quỹ cầm toàn là vốn hoá lớn. Ngoài việc chốt NAV thì tháng 9 này còn rất nhiều sự kiện khác vì vậy chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần hết sức cẩn thận khi giao dịch những mã vốn hoá lớn.
Trong thời gian chỉ số đang đi lên, mã vốn hoá trung và vốn hoá nhỏ sẽ có ưu thế hơn về đường tăng giá. Năm nay cũng chứng kiến biến cố, đặc biệt là căng thẳng giữa Nga và Ukraine tuy nhiên điều quan trọng vẫn là ta phải tìm được những ngành nào, nhóm nào được hưởng lợi từ sự căng thẳng đó.
Nhóm phân bón, nhóm hoá chất đã tăng rất mạnh và đà tăng giá này vẫn còn có thể tiếp diễn. Ngoài ra, gần đây, mọi người bắt đầu nhắc nhiều đến sự thiếu hụt lương thực trên toàn cầu vì vậy một số mã lương thực đang tăng mạnh bất chấp chỉ số không tích cực.