Đóng cửa, VN-Index chỉ còn tăng 0,05 điểm lên 1.277,4 điểm, HNX-Index tăng 0,45 điểm (0,15%) đạt 293,27 điểm, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (0,14%) về 91,64 điểm.
Sau những phút giao dịch hưng phấn trong phiên sáng, thị trường phiên chiều quay lại trạng thái ảm đạm khi VN-Index dần hạ nhiệt, thậm chí đánh mất phần lớn điểm số, kết phiên với mức tăng như có như không, vỏn vẹn 0,05 điểm.
Nhóm ngân hàng đóng góp công lớn cho việc duy trì sắc xanh của thị trường chung. Thị trường phiên nay giao dịch "sáng nắng, chiều mưa", tiêu điểm là nhóm cổ phiếu điện, đầu tư công và bất động sản đều có nhịp kéo hưng phấn trong phiên tuy nhiên đều gặp áp lực chốt lời khiến đà tăng chững lại.
Ngoài ra, nhóm phân đạm và thép sau nhịp tăng mạnh thì đã xuất hiện phiên phân phối với lực bán lớn cuối phiên. Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-In dex thể hiện sự cân bằng nhất định, tuy nhiên lực cầu ở ngoài vẫn còn e ngại trước những diễn biến bất ổn từ thị trường thế giới.
Tính đến 13h50, VN-Index tăng 2,36 điểm (0,18%) lên 1.279,71 điểm, VN30-Index tăng 2,25 điểm (0,17%) đạt 1.300,4 điểm.
Sau nỗ lực trong phiên sáng thì VN-Index vẫn chưa vượt được ngưỡng 1.285 điểm và lùi lại hạ nhiệt ngay đầu phiên chiều. Sau khoảng 50 phút giao dịch thì chỉ số chính đã lùi về dưới mốc 1.280 điểm.
Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu hàng hóa cơ bản gồm thép và hóa chất sau phiên tăng mạnh hôm qua đã đảo chiều giảm nhẹ. Áp lực bán cũng đang chiếm ưu thế tại nhóm du lịch & giải trí, bất động sản, bảo hiểm, vận tải,... Dòng tiền có dấu hiệu chậm lại trong phiên chiều, tính đến hiện tại giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt. 10.030 tỷ đồng
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 5,55 điểm (0,43%) lên 1.282,9 điểm, HNX-Index tăng 1,28 điểm (0,44%) đạt 294,1 điểm, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (0,2%) lên 91,96 điểm.
Đà tăng bị thu hẹp về cuối phiên sau khi VN-Index vượt qua mốc 1.285 điểm, dù vậy thị trường vẫn giữ được sắc xanh tương đối ấn tượng nhờ lực đỡ của nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng.
Tại nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường, PGB dẫn đầu chiều tăng với 5,3%. Sắc xanh còn lan tỏa tại nhiều cổ phiếu khác như CTG (+2%), NVB (+2%), BID (+1,8%), LPB (+1,3%), MBB (+1,1%), SHB (+1%), VPB (+1%),...
Thanh khoản ghi nhận cải thiện với giá trị giao dịch đạt hơn 7.937 tỷ đồng trên HOSE. Tính chung toàn thị trường thì giá trị giao dịch đạt hơn 9.030 tỷ đồng, tăng gần 18% so với phiên trước.
Tính đến 11h00, VN-Index tăng 7,16 điểm (0,56%) lên 1.284,51 điểm, VN30-Index tăng 4,56 điểm (0,35%) đạt 1.302,73 điểm.
Thị trường chứng khoán nới rộng sắc xanh đến giữa phiên sáng với sự trở lại dẫn dắt của nhóm ngân hàng. Hơn một nửa điểm số tăng của VN-Index được củng cố nhờ cổ phiếu của các nhà băng.
Ngoài SSB đang đỏ nhẹ và một số mã như ABB, BVB, NAB, SGB, TPB,... đứng giá tham chiếu, các cổ phiếu vua còn lại đồng loạt tăng điểm. Nối bật là lực kéo từ VCB, BID, CTG, bộ ba này đã góp hơn 3,5 điểm cho sắc xanh của VN-Index.
Cùng với đó, cổ phiếu ngành điện cũng đang trên đà bứt tốc với sự hẫu thuận chủ yếu từ ông lớn POW (+3,6%), theo sau là nhiều mã midcap và penny như PC1 (+3,7%), NT2 (+2,3%), GEG (+2,2%), VSH (+1,8%), QTP (+1,2%),...
Tính đến 9h40, VN-Index tăng 2,5 điểm (0,2%) lên 1.279,94 điểm, HNX-Index tăng 0,68 điểm (0,23%) đạt 293,5 điểm, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (0,16%) lên 91,92 điểm.
VN-Index mở cửa xanh nhẹ đầu phiên sáng nay với dòng tiền tập trung ở nhóm midcap, trong khi nhóm vốn hóa lớn tiếp tục dao động giằng co.
Cổ phiếu nhóm hàng hóa cơ bản tiếp tục thu hút dòng tiền, tuy nhiên xu hướng phân hóa đang hiện hữu. Ở nhóm thép, TLH, VGS, POM, TVN, PAS, NKG duy trì đà tăng trong khi TNA, KVC, HPG, HSG, HMC, SMC vẫn đang giằng co quanh vùng giá tham chiếu.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán châu Âu ngày 5/9 sụt giảm khi nhà đầu tư lo ngại những rủi ro kinh tế vĩ mô phát sinh từ việc nguồn cung năng lượng từ Nga bị cắt đứt. Giá trị đồng euro sa sút so với USD, trong khi giá khí đốt tăng cao.
Chỉ số Stoxx 600 của khu vực châu Âu đóng cửa mất 0,6%, hồi phục một phần từ mức giảm sâu hơn trong phiên. Nhóm cổ phiếu ngành ô tô lao dốc 4,8%, dẫn đầu đà giảm của thị trường.
Đa số nhóm ngành và thị trường các nước thành viên đều đóng cửa trong sắc đỏ. Chỉ số DAX của Đức mất 2,22%, CAC của Pháp sụt 1,2%. Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 5/9 nhân dịp Ngày Lao động.