Tài chính

Nghịch lý kinh doanh của "ông lớn": Càng ít khách lại càng lãi lớn

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Huyền thoại Walt Disney từng gọi Disneyland là “vương quốc phép thuật” của mình. Ngày nay, công ty Walt Disney có một phép thuật mới: vắt đến đồng tiền cuối cùng của mỗi du khách đến công viên giải trí của mình.

Bất chấp các hạn chế số lượng khách do dịch bệnh, báo cáo mới nhất cho thấy doanh thu và lợi nhuận từ các khu vui chơi giải trí của Disney đã đạt kỷ lục mới. Kết quả trên phản ánh thay đổi chiến lược lớn từ phía Disney, khi tập trung ít hơn vào việc tối đa hóa lượng khách mà nhiều hơn vào việc tăng số tiền mà mỗi khách chi tiêu, một cách tiếp cận mà công ty gọi là quản lý lợi nhuận. Theo đó khi trải nghiệm của du khách tăng lên, họ sẽ vui vẻ hơn, dành nhiều thơi gian vui chơi hơn và do đó, sẽ tiêu nhiều tiền hơn.

Nghịch lý kinh doanh của "ông lớn": Càng ít khách lại càng lãi lớn - 1

Giá các món ăn vặt tại nhiều công viên giải trí của Disneyland đã tăng lên

Sự thay đổi lớn nhất trong hai năm qua — và mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Disney — là sự ra đời của một tính năng dành cho ứng dụng điện thoại mang tên Genie + có giá 15 USD (khoảng 350.000 VNĐ) một người một ngày. Mức phí này cao hơn cả giá vé vào cửa và cho phép những người tham quan không phải xếp hàng chờ tại các điểm tham quan “hot”. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, để không phải chờ khi chơi các trò như “Star Wars” hay “Vệ binh Dải Ngân hà”, mỗi khách sẽ phải trả thêm từ 10 đến 17 USD. Nếu không trả tiền, họ có thể phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ.

Nghịch lý kinh doanh của "ông lớn": Càng ít khách lại càng lãi lớn - 3

“Star Wars” trò chơi “hot” nhất tại Disneyland mà để tham gia, du khách có thể phải chờ hàng tiếng đồng hồ

Đồng thời, nhiều tiện ích miễn phí trước đây— từ chỗ đậu xe cho khách có thẻ năm, dịch vụ đưa đón nội khu đến vòng đeo tay MagicBand giờ đều mất tiền. Disney cũng đã tăng giá phòng khách sạn, thực phẩm và hàng hóa của mình khi lạm phát tăng lên mức kỷ lục ở Mỹ.

Theo đại diện công ty, đây chỉ là cung cầu thuần tuý, không khác gì máy bay, khách sạn hay tàu du lịch. Tuy nhiên, trái với các ngành trên, quý II vừa qua, cả doanh thu và lợi nhuận của Disney đã lên cao kỷ lục, lần lượt đạt 5,42 tỷ USD và 1,65 tỷ USD.

Tuy nhiên những khách trung thành của Disney lại không mấy vui vẻ. Họ là những người dùng thẻ năm, đi tới công viên giải trí này nhiều lần trong năm. Theo UBS, những người này chiếm khoảng một nửa lượt vào cửa của các công viên giải trí Disney. Tuy nhiên với mỗi lượt đi chơi, họ lại chi tiêu không nhiều. Do có vé năm nên nhiều khi mỗi lần vào chơi, họ chỉ đi vài tiếng, ăn một cây kem rồi lại đi ra. Đối tượng Disney muốn hướng tới chính là khách ở xa, những người coi mỗi chuyến đi tới công viên giải trí là một sự kiện lớn và sẵn sàng mạnh tay chi tiền cho mỗi lần có cơ hội vui chơi. Họ đi chơi cả ngày và thậm chí sẽ thuê khách sạn qua đêm để có thể chơi cho “đã”.

Ví dụ như gia đình 3 người nhà chị Suvada, nhân viên pha chế của Starbucks ở bang khác khi đến Disney World đã chi khoảng gần 120 triệu VNĐ để ăn uống, ngủ nghỉ và vui chơi, kèm theo đó là khoảng 10 triệu VNĐ mua quà lưu niệm. Chồng chị cho biết đã tiêu gần cạn thẻ tín dụng chỉ để mua đồ chơi và đồ ăn vặt. Với chị, chuyến đi này là để thoả giấc mơ thời thơ ấu khó khăn. Chị Suvada đã khóc khi lần đầu tiên được nhìn thấy lâu đài Lọ Lem tại công viên.

Nghịch lý kinh doanh của "ông lớn": Càng ít khách lại càng lãi lớn - 4

Với nhiều du khách, đi chơi Disneyland là giấc mơ của đời người

Đến nay, Disney gần như đã chấm dứt phát hành mới thẻ năm. Còn khách hàng có thẻ năm cũ, phí gia hạn đã tăng từ 33 triệu VNĐ lên 37,5 triệu VNĐ. Đồng thời, có thêm rất nhiều ngày trong năm mà các khách hàng trung thành này sẽ không được ghé chơi.

Nhiều khách hàng lâu năm cho biết họ đã phát chán với các chiêu trò tăng giá và hạn chế ngày sử dụng thẻ năm. Một năm qua, các món quà lưu niệm tăng khoảng 230.000 VNĐ một món. Trước đây, khách ở qua đêm sẽ được ưu đãi vào chơi sớm và chơi giờ khuya. Tuy nhiên, phần lớn tiện ích này giờ đây sẽ chỉ dành cho những khách hàng ở phòng hạng đắt tiền nhất.

Disney cho biết rất nhiều khách hàng ủng hộ các chính sách mới của mình. Và thực tế đã chứng minh, tối đa hoá lợi nhuận từ từng lượt khách đã kéo lợi nhuận của cả công ty tổng Disney, bù đắp cho rất nhiều mảng kinh doanh đang thua lỗ như dịch vụ streaming Disney+. Còn nhiều khách hàng trung thành sống ngay gần thì cho biết họ thà sang bang khác để vui chơi tại Universal Studios hay SeaWorld còn thoải mái và đỡ tốn kém hơn lái xe 20 phút tới chơi ở Disneyland.

Chia sẻ
Theo Hạnh Hoàng (Theo WSJ) (Arttimes)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm