Tuyên bố thẳng thừng sẽ không thuê “người nghiện việc”
Vị Shark này chia sẻ: “Tôi không muốn thuê một người nghiện việc, bởi làm việc 25 giờ một ngày chỉ khiến người đó làm việc kém hiệu quả mà thôi.”
Vậy làm việc thế nào cho hiệu quả? Lời khuyên của Kevin O’Leary là dành ra một nửa thời gian để không tập trung vào công việc, có vậy bộ óc chúng ta mới nảy ra được những ý tưởng đột phá.
Ông cho hay: “Ý tưởng kinh doanh và đầu tư mang lại món hời lớn thường đến khi tôi không làm việc. Chúng đến khi tôi chơi guitar, hay lúc đang đánh bóng lại chiếc đồng hồ.”
Có thể vì vậy mà O’Leary đánh giá cao ứng viên có sở thích không mấy liên quan, thậm chí trái ngược với công việc họ ứng tuyển. Ông chia sẻ mình vừa tuyển một người cho vị trí Social Media sau khi biết ứng viên đó theo đuổi bộ môn ballet cổ điển vào buổi tối.
Nghe thật lạ lùng, khi nhiều nhà tuyển dụng sẽ loại thẳng tay ứng viên ghi sở thích không liên quan đến công việc vào CV, nhà đầu tư bạc tỷ lại có cái nhìn khác người trong tuyển dụng.
“Tôi rất lưu ý đến ứng viên cho thấy sự trái ngược giữa sở thích và kỹ năng cần cho công việc. Bởi nó chứng tỏ người này có cái nhìn cân bằng và suy nghĩ đa chiều.”
Không chỉ vậy, ông coi việc cân bằng sở thích trái ngược với công việc là thước đo cho tính kỷ luật và một tinh thần làm việc hăng hái.
“Một người cân bằng thời gian giữa công việc với sở thích không phải do anh ta làm việc kém chăm chỉ, ngược lại mới đúng. Đây là nhóm người làm việc như điên, vì họ cần làm tốt các đầu việc được giao, đồng thời duy trì sở thích riêng.”
Làm việc hiệu quả hơn, và giữ cân bằng trong cuộc sống: Đây là điểm chung của doanh nhân thành đạt, một vị quản lý giỏi và nhân viên lý tưởng. Đây cũng là người mà vị "cá mập" này muốn làm việc cùng.
Tuy không đề cao những "kẻ nghiện việc", O’Leary vẫn rất ưu ái nhân viên sống hết mình với công việc. Những ai ra về lúc 5 giờ sẽ không bao giờ trụ được ở công ty ông, thay vào đó là những người hết lòng hết dạ muốn giải quyết vấn đề cho công ty.
Ông nói: “Những ai hết mình để giải quyết vấn đề mà công ty, team làm việc, sếp của họ đang gặp phải, người đó sẽ thành công trong cuộc sống.”
Doanh nhân cần làm việc 25 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần
Theo Kevin O’Leary, khi đã tính đến việc bắt tay vào kinh doanh, cân bằng là một thứ xa xỉ.
“Bỏ hết các cuộc tụ tập bạn bè đi. Cả những kỳ nghỉ lễ nữa. Bạn sẽ không sống lại cuộc đời như thế đâu. Đó là cái giá phải trả nếu muốn thành công.”
Ông O’Leary nhấn mạnh guồng làm việc này đặc biệt cần thiết ở giai đoạn đầu khởi nghiệp: “Muốn công ty của mình làm ăn nên ra thì phải quên ngay việc cân bằng cuộc sống đi. Bạn phải làm 25 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Không ngừng nghỉ.”
Làm việc 25 giờ một ngày là cách O’Leary ám chỉ các ông chủ phải bỏ ra 110% công sức cho doanh nghiệp của mình. Theo ông, chỉ có vậy mới đảm bảo việc kinh doanh sẽ thành công, thay vì bị các đối thủ đáng gờm khác “hất văng” khỏi cuộc chơi.
Phương châm “25 giờ” được vị Cá mập này áp dụng vào cuộc sống và cả khi quyết định đầu tư vào một startup. O’Leary có thói quen làm việc lúc 4h30 sáng và bắt đầu ngày mới với 3 việc quan trọng cần làm trong ngày. Ông tận dụng triệt để quỹ thời gian để xem xét các startup ông đầu tư trong chương trình Shark Tank, vận hành doanh nghiệp của mình và giảng dạy tại các trường đại học.
Mỗi mùa Shark Tank, Kevin O’Leary đều rót vốn hàng trăm nghìn USD cho các startup, nhưng thuyết phục được "cá mập" không hề dễ. Ông chỉ đầu tư khi xác định đội nhóm sáng lập startup đó làm việc cực kỳ chăm chỉ để thành công.
O’Leary chỉ ra rằng: “Mọi người dễ lầm tưởng rằng các doanh nhân đều giàu to chỉ sau một đêm. Không hề. Đó là một hành trình dài và vất vả, nhưng xứng đáng.”
Lý do nào là động lực cho những doanh nhân thành công như Kevin O’Leary làm việc hăng say như vậy? Ông cho thấy một thái độ rất rõ ràng: “Chúng tôi làm không phải vì lòng tham tiền bạc, mà vì tự do cá nhân.”
Đừng chạy theo đồng tiền, hãy tập trung vào sự tự do
Năm 1999, Kevin O’Leary bán công ty cho Mattel Toy Company với giá 4,2 tỷ USD Mỹ. Đây là một trong những thương vụ mua bán lớn nhất trong ngành công nghiệp phần mềm tiêu dùng.
Ông và các nhà đồng sáng lập bỗng chốc có hàng trăm triệu USD trong tay. Nhà báo đã trực sẵn để săn tin nhà triệu phú mới nổi O’Leary sẽ làm gì với số tiền đó. Du thuyền hay phi cơ riêng? Một chuyến du lịch vòng quanh thế giới xa xỉ?
Nhưng rồi, không du thuyền, không phi cơ. Cũng chẳng có chuyến du lịch nào hết.
“Anh hỏi sau đó tôi đã làm gì? Tôi lập tức trở lại guồng làm việc. Doanh nhân như chúng tôi không biết gì khác (ngoài công việc) đâu.”
Để giải thích vì sao mục đích kinh doanh của mình không phải là tiền, Cá mập O’Leary đặt câu hỏi ngược lại: “Ở Mỹ, giàu có mang ý nghĩa gì?”. Nghĩa là bạn có thể làm những gì mình muốn, mua những thứ mình thích, và sống tự do thoải mái thay vì lo sợ về miếng cơm ngày mai.
“Doanh nhân muốn làm giàu chứ, nhưng không phải vì tham tiền. Kinh doanh giúp tôi kiếm nhiều tiền, từ đó tôi củng cố tự do cá nhân cho mình. Và tự do mới là thứ quan trọng.”
Để hiểu hơn vì sao ông trùm đầu tư lại có suy nghĩ này, hãy đọc tiếp câu chuyện về Kevin O’Leary và đam mê nhiếp ảnh của ông. Khi còn là thiếu niên, cậu Kevin cực thích chụp hình, thậm chí có ý định trở thành nhiếp ảnh gia toàn thời gian. Nhưng vì cạnh tranh ngành này rất khốc liệt, cha cậu đề nghị nên học kinh doanh trước rồi mới theo đuổi nghề nhiếp ảnh sau.
Sau khi hoàn thành khóa MBA tại trường Kinh doanh Ivey thuộc Đại học Western, Kevin O’Leary rẽ lối sang làm doanh nhân thay vì nhiếp ảnh gia. Để rồi sau khi thành công với kinh doanh, ông lại có toàn bộ tự do theo đuổi đam mê nhiếp ảnh ngày xưa của mình.
Ông cười đắc ý: “Tôi giờ có cả bộ sưu tập khủng các dòng camera từ Leica đến Nikon, Canon và toàn bộ ống kính của hãng. Đây chính là tự do cá nhân. Tôi có được bộ sưu tập này vì tôi thành công ở một lĩnh vực khác. Khởi nghiệp mang lại cho chúng ta điều tuyệt vời như thế đó- ta được tự do theo đuổi ước mơ của mình.”