Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 2017, Ngô Tấn Quyền (SN 1994, quê xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) làm kỹ sư chế tạo máy với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng. Sau một năm, anh cảm thấy không phù hợp với công việc nhàm chán và áp lực tăng ca. Trong sự ngạc nhiên của gia đình và đồng nghiệp, anh quyết định nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp.
Anh tìm hiểu và bị thu hút bởi mô hình trồng rau thủy canh. Với số vốn ít ỏi tích cóp, anh đã thuê mặt bằng tại Đà Nẵng để bắt đầu kinh doanh. Nhưng không lâu sau, đơn đặt hàng rất ít, lương nhân viên và tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả. Mô hình này tồn tại được khoảng 4 tháng là dừng hoạt động.
Anh Quyền đã khởi nghiệp thất bại 2 lần nhưng anh không chút nản chí
Sau thất bại đầu tiên, anh trở về quê và tiếp tục với nghề thiết kế trang trại trồng rau sạch. Dự án này cũng không thành công, lại khiến anh có thêm một khoản nợ. Nhưng anh vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội mới dù đã trải qua nhiều khó khăn.
Anh vẫn quyết tâm tìm một con đường khởi nghiệp mới. Lúc này, một người bạn giới thiệu cho anh về trầm hương – sản phẩm có tiềm năng cao. “Tôi cũng nhận thấy vùng Tiên Phước gần quê mình có nhiều hộ dân trồng cây dó bầu, nguồn nguyên liệu quý giá cho sản phẩm của mình nên tôi đã quyết định tìm hiểu và phát triển các sản phẩm trầm hương”, anh chia sẻ.
Để có tiền khởi nghiệp, anh đã phải huy động vốn từ bạn bè, vay được số tiền 200 triệu đồng. Dù tâm lý có phần lo sợ thất bại tiếp, anh vẫn quyết liều một lần nữa.
Lần khởi nghiệp với trầm hương, anh có chút lo lắng rằng mình sẽ thất bại tiếp.
Bước vào ngành trầm hương, anh Quyền phải đối mặt với nhiều thách thức. “Do thiếu kinh nghiệm, tôi đã mua phải phôi trầm giả, khiến sản phẩm chế tác ra có mùi khó chịu. Tôi đã phải dành ra rất nhiều thời gian nghiên cứu và học hỏi về sản phẩm trầm hương”, anh nói.
Năm 2021, anh vay ngân hàng để đầu tư vào xưởng sản xuất rộng hơn 100m2 trên đất gia đình. Thay vì làm trầm cảnh nhân tạo như nhiều người khác, anh tập trung vào việc chế tác vòng đeo tay từ trầm hương tự nhiên, chú trọng đến chất lượng sản phẩm.
Sau khi sản phẩm bắt đầu được thị trường chấp nhận, anh đã mở rộng sản xuất bằng cách đầu tư thêm máy móc để chế tạo các sản phẩm như nhang và bột trầm. Đến đầu năm 2024, xưởng sản xuất của anh đã tăng quy mô gấp đôi, tạo việc làm cho gần chục lao động với thu nhập ổn định từ 9-12 triệu đồng/tháng.
Đến nay, anh đã có thương hiệu trầm hương riêng của mình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Hiện tại, thương hiệu trầm hương của anh mang lại doanh thu bình quân khoảng 500 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, anh có thể "bỏ túi" khoảng 150 triệu đồng mỗi tháng. Sản phẩm của anh không chỉ bán trên mạng xã hội mà còn được bày bán tại nhiều cửa hàng lưu niệm và điểm du lịch.
Hiện tại, anh đang lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất và quảng bá giá trị của trầm hương xứ Quảng ra toàn quốc và cả thị trường quốc tế.
Với doanh thu hiện tại, mỗi tháng, anh thu về đến nửa tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về trầm hương, anh cho biết trên thị trường, trầm hương có rất nhiều loại. Với loại phôi nguyên bản, người có kinh nghiệm có thể nhìn bề ngoài đã phân biệt được. Còn khi làm thành phẩm vòng đeo tay, việc phân biệt trở nên khó khăn hơn.
“Những chiếc vòng đeo tay trầm hương được bán trên mạng với giá rẻ có thể đó là hàng trầm vi sinh. Loại trầm hương vi sinh rất nhanh mất mùi, chỉ đeo vài tháng là mất mùi và bạc màu. Còn loại trầm tự nhiên thì càng đeo lại càng đẹp, mùi thơm có thể giữ được vài năm”, anh chia sẻ.
Ngoài ra, loại trầm hương công nghệ khó phân biệt hơn. Người làm tinh vi hơn, họ đem những phôi trầm tự nhiên loại rẻ tiền nấu dầu vào nên mùi khá bền. Vì vậy, người mua cần tìm nơi uy tín để đặt mua các sản phẩm trầm hương tự nhiên.