Startup Alternō – Điểm sáng của làng startup Việt
PepsiCo chính thức công bố quán quân của chương trình Greenhouse Accelerator phiên bản khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) 2024, đánh dấu cam kết không ngừng của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các giải pháp thế hệ mới cho một tương lai bền vững.
Năm nay, 2 công ty khởi nghiệp Việt Nam là Grac và Alternō đã xuất sắc lọt vào top 10 chung kết. Grac mang đến các giải pháp quản lý chất thải hiệu quả và tiết kiệm, góp phần giảm phát thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, hợp tác với PepsiCo cho mục tiêu mở rộng hoạt động thu gom chai PET và lon nhôm tại TP.HCM.
Còn Alternō tiên phong với giải pháp lưu trữ năng lượng nhiệt giá rẻ đầu tiên tại châu Á, đã thành công trong việc thử nghiệm công nghệ với PepsiCo Foods Việt Nam, mở ra cơ hội cho các ứng dụng năng lượng tái tạo rộng mở hơn.
Theo PepsiCo, chiến thắng của Alternō là nhờ cách tiếp cận đột phá trong việc giảm lượng khí thải carbon trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và sưởi ấm dân dụng thông qua năng lượng nhiệt. Alternō đang tập trung vào một trong ba lĩnh vực trọng tâm của chương trình Greenhouse Accelerator - nông nghiệp bền vững.
10 startup lọt vòng chung kết năm nay đến từ khắp các quốc gia trong khu vực APAC như Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Úc và Trung Quốc.
Với chiến thắng này, Alternō sẽ nhận khoản tài trợ 100.000 USD để tiếp tục phát triển và mở rộng giải pháp của mình. Khoản tài trợ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp họ mở rộng quy mô pin cát, công nghệ đã được thử nghiệm tại nhà của PepsiCo Foods Việt Nam, hoàn thành dự án sấy viên nén, và dự kiến sẽ thử nghiệm tiếp việc gia nhiệt dầu.
Ông Hải Hồ - Co-Founder kiêm Giám đốc vận hành của Alternō chia sẻ: “ Chiến thắng tại chương trình APAC Greenhouse Accelerator 2024 của PepsiCo là một cột mốc quan trọng đối với startup của chúng tôi. Ban cố vấn và các nguồn lực từ PepsiCo đã giúp chúng tôi hoàn thiện chiến lược và đẩy nhanh tốc độ phát triển. Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với PepsiCo để mở rộng phạm vi giải pháp của mình, hướng tới một tương lai bền vững hơn ”.
3 Nhà sáng lập pin cát Alternō là Nguyễn Quốc Nam, Hải Hồ và Kent Nguyễn gặp nhau lần đầu tại Day Zero của Antler năm 2022.
Tháng 2/2023, Alternō tham gia chương trình ươm tạo công nghệ phần cứng của Qualcomm và sau đó được hỗ trợ 10.000 USD tiền mặt cùng 5.000 USD để tiến hành đăng ký bằng sáng chế cho pin cát ở Việt Nam. Mới đây, Deal Street Asia đưa tin: Alterno tiếp tục công bố huy động thành công 1,5 triệu USD từ một quỹ đầu tư của Singapore.
Greenhouse Accelerator đại diện cho một khoản đầu tư vào tương lai của hành tinh
Chương trình Greenhouse Accelerator được thiết kế để hỗ trợ các startup đang tái định hình tương lai doanh nghiệp thông qua phát triển bền vững. Startup tham gia sẽ nhận được sự cố vấn cá nhân từ Ban cố vấn là các lãnh đạo của PepsiCo, khoản tài trợ 20.000 USD và được tiếp cận mạng lưới ngành nghề rộng lớn của PepsiCo, giúp họ đưa các giải pháp đổi mới ra thị trường nhanh hơn.
Ông Wern-Yuen Tan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương kiêm Giám đốc thương mại của PepsiCo , phát biểu: “ Chương trình Greenhouse Accelerator APAC không chỉ tôn vinh một quán quân, mà còn nêu bật động lực ngày càng lớn của sự đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững.
Thông qua chiến lược Pep+, PepsiCo tự hào hỗ trợ những doanh nhân khởi nghiệp có tầm nhìn xa, những người đang giúp xây dựng một tương lai - nơi cả doanh nghiệp và hành tinh cùng phát triển mạnh mẽ. Bằng cách thúc đẩy hợp tác, cố vấn và tăng cường tiếp cận các nguồn lực, chúng tôi đang giúp mở rộng quy mô những ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức quan trọng về môi trường và xã hội.”
Khi lựa chọn các dự án startup, Hội đồng giám khảo đánh giá dựa trên các tiêu chí như sự đổi mới, tính khả thi, khả năng mở rộng và sự phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của PepsiCo. Hội đồng giám khảo là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh, bền vững và đầu tư - khởi nghiệp của PepsiCo lẫn Chính phủ và DN lớn trong khu vực APAC.
Theo đó, chỉ trong 4 tháng, chương trình Greenhouse Accelerator APAC 2024 đã triển khai 7 dự án khởi nghiệp thí điểm trong chuỗi giá trị của PepsiCo, tập trung vào Hành động vì Khí hậu, Nông nghiệp Bền vững và Kinh tế Tuần hoàn. Tất cả nhằm giải quyết các thách thức như giảm phát thải carbon, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và thúc đẩy chuỗi cung ứng tuần hoàn.
Dựa trên thành công của chương trình năm 2023 với bốn dự án thí điểm đang ở các giai đoạn khác nhau, các dự án năm 2024 đang đặt nền tảng cho những tác động môi trường và hoạt động có ý nghĩa.
Trong số những startup tham dự năm ngoái, TURN - một startup lọt vào vòng chung kết đã hợp tác thành công với Gatorade để ra mắt cốc tái sử dụng Gatorade x TURN, hiện đang được thử nghiệm với các câu lạc bộ AFLW và AFL ở Úc. Sáng kiến này dự kiến sẽ thay thế khoảng 200.000 cốc sử dụng một lần, minh chứng cho tác động mà các startup của chương trình Greenhouse có thể tạo ra đối với sự bền vững.
Adiona - một startup cho phép hiển thị dữ liệu thời gian thực cho hoạt động giao hàng - đang thực hiện một dự án thí điểm phân tích dữ liệu giao hàng của PepsiCo và đề xuất các cải tiến về tính hiệu quả tại nhà máy Tingalpa. Những cải tiến này có thể giảm khoảng cách di chuyển và, do đó, giảm lượng khí thải CO2.
Phần mình, sau khi giành chiến thắng tại chung kết Greenhouse Accelerator 2023 vào năm ngoái, Powered Carbon đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Công ty hiện đang cung cấp phân bón sinh học giảm carbon cho các cánh đồng khoai tây của PepsiCo tại Quảng Đông, Sơn Đông, Cam Túc và Nội Mông.
Power Carbon không chỉ nâng cao nhận thức tích cực của thị trường và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư mà còn tăng doanh thu gấp sáu lần kể từ tháng 8/2023.
PepsiCo hiện đang cân nhắc tổ chức phiên bản năm thứ ba của chương trình Greenhouse Accelerator tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025. Tính đến nay, các startup tham gia trong 11 phiên bản trước đó trên toàn cầu đã tạo ra tổng doanh thu hàng năm là 200 triệu USD, minh chứng rõ ràng cho khả năng thúc đẩy tăng trưởng và mang lại các giải pháp bền vững của chương trình.