Tuổi 22 vừa tốt nghiệp đại học, chẳng dám tự nhận là người lớn hoàn toàn nhưng cũng không được xếp vào hàng ngũ trẻ con nữa, một độ tuổi chông chênh. Phần đa mọi người đều cho rằng, ra trường rồi hẳn phải tự chủ về tài chính. Nhiều người trẻ cũng sinh ra cảm giác "có lỗi" mỗi khi chia sẻ rằng bản thân vẫn còn cần bố mẹ hỗ trợ về tài chính.
Liệu rằng tự chủ tài chính khi vừa mới ra trường là 1 tiêu chuẩn mà người trẻ cần phải đạt được không?
Người vẫn được bố mẹ "nuôi" hoàn toàn, người nhận sự hỗ trợ mua tài sản lớn
Mai Anh (22 tuổi) vừa kết thúc học phần ở trường đại học, đang chuẩn bị ra trường và đi xin việc. "Mình vẫn nhận trợ cấp tài chính của bố mẹ. Bố mẹ mình thấy điều này khá bình thường".
Khi được hỏi, quan điểm về chuyện phải tự lập tài chính khi mới ra trường có còn đúng không, Mai Anh thẳng thắn chia sẻ rằng điều này còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng người. "Nếu bạn có hoàn cảnh không khá giả, gia đình không đủ sức để trợ cấp sau khi bạn tốt nghiệp nữa, "phải" tự lập tài chính là điều hiển nhiên. Còn nếu gia đình chấp nhận việc bạn đang trong quá trình tìm kiếm 1 công việc hay theo đuổi định hướng của mình thì chữ "phải" sẽ chỉ là "nên" cố gắng tự lập tài chính".
Gia đình Mai Anh cảm thấy ổn khi tiếp tục hỗ trợ tài chính cho cô bạn sau khi tốt nghiệp ra trường (Ảnh minh hoạ: Pinterest)
Dù đã tự chủ trong các chi phí sinh hoạt , Văn Hùng được bố mẹ hỗ trợ 1 khoản tiền không hề nhỏ để mua nhà khi mới ở độ tuổi 22. Cậu bạn chia sẻ rằng ban đầu bản thân khá ngại ngùng và không ngừng so sánh bản thân với bạn bè vì ít ai ở độ tuổi đó "nhờ" bố mẹ 1 số tiền lên tới mấy trăm triệu để mua nhà.
"Tuy nhiên sau khi suy nghĩ thông suốt thì mình thấy rằng, suy cho cùng mình cũng chỉ vay tiền bố mẹ và sẽ trả lại trong tương lai. Vậy nên thay vì thấy áp lực thì mình cảm thấy biết ơn vì có nguồn lực là bố mẹ hỗ trợ đằng sau. Việc vay nợ là quyết định của mình và mình phải có trách nhiệm trong việc trả lại số nợ đó chứ không hề "xin" tiền bố mẹ. Do đó áp lực ban đầu cũng không còn nữa".
Áp lực tự lập tài khi so sánh bản thân với bạn bè xung quanh
Tự nhận bản thân đã khá tự chủ về mặt tài chính, đôi khi gửi thêm tiền về cho gia đình, nhưng Hiền Anh (22 tuổi) vẫn không tránh khỏi những áp lực trước suy nghĩ về tự lập tài chính.
"Phong trào nghỉ hưu sớm gần đây như thổi bùng ngọn lửa áp lực trong mình. Đặc biệt khi nhìn thấy những người tự do tài chính khi còn rất sớm, mà mình lại là kiểu bị ảnh hưởng bởi những hình mẫu bạn trẻ thành công trên MXH. Đã có thời gian mình rất sợ thất nghiệp hay xài tiền cho những thú vui bản thân quá mức vì lo rằng khoản tiền còn lại không thể xoay sở cho những tình huống rủi ro bất định".
Hiền Anh (Ảnh NVCC)
Không chỉ có áp lực phải tự lập tài chính khi tốt nghiệp đại học, Văn Hùng (22 tuổi) đã có cảm giác này ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhìn bạn bè kiếm chục triệu/ tháng và không phải xin bố mẹ tiền sinh hoạt.
Song, rất may mắn rằng mẹ của Văn Hùng có những lời khuyên và có nói 1 câu khiến cậu bạn nhớ mãi đó là: "Sau này con sẽ có cả cuộc đời để đi làm kiếm tiền nên không phải vội. Việc con nên ưu tiên bây giờ đó là học cho tốt và cố gắng hết sức trau dồi bản thân để kiếm được một công việc xứng đáng sau khi tốt nghiệp". Sau đó, cậu bạn 22 tuổi giảm bớt đi chút áp lực, tập trung hơn vào những điều cần thiết thay vì so sánh bản thân với những người xung quanh.
Người trẻ không thể tự lập tài chính là bởi còn "yếu kém"?
Nhiều người cho rằng thế hệ trẻ bây giờ "kém" hơn rất nhiều so với những người đi trước. Bởi vì hầu hết các bạn trẻ vẫn còn phải phụ thuộc tài chính rất nhiều, không giống như thế hệ trước đã bắt đầu "bươn chải" tự lập khi mới ở độ tuổi đôi mươi. Đặc biệt, khi càng ngày có nhiều bạn trẻ dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi sau khoảng thời gian học hành hay là được gia đình hỗ trợ mua các tài sản lớn.
Mai Anh cho rằng không thể có mẫu số chung cho tất cả mọi người, nó phụ thuộc vào cách sống và tiêu tiền của từng cá nhân. Có những bạn đã đi làm từ khi đi học, có những bạn ra trường rồi mới đi làm. Hơn thế nữa, khoảng thời gian đầu sau khi tốt nghiệp thường là khoảng thời gian khó khăn.
"Một là bạn vừa chính thức bước chân vào 1 giai đoạn mới, chính thức gia nhập tầng lớp lao động. Hai là bạn chưa có kinh nghiệm nhiều vì kiến thức chuyên ngành rất khác thực tiễn. Việc bạn phải cạnh tranh với hàng nghìn, hàng chục nghìn bộ hồ sơ khác để tìm cho mình 1 công việc ‘tốt’, có thu nhập đủ để chi trả các khoản phí sinh hoạt không phải đơn giản. Nên có thể xem là việc nhận trợ cấp sau khi ra trường cũng khá là bình thường".
Bên cạnh đó, với Văn Hùng, việc ra trường rồi vẫn phải nhờ bố mẹ hỗ trợ tài chính chủ yếu xuất phát từ sự mâu thuẫn: mức lương thấp - nhu cầu chi tiêu cao.
Nếu cứ coi mức lương khởi điểm lúc mới ra trường là khoảng 10 triệu đồng, "khéo ăn, khéo tiêu" vẫn có thể sinh hoạt thoải mái tại những thành phố lớn. Tuy nhiên, thực tế lại là một chuyện khác.
"Giới trẻ chúng ta bây giờ có nhu cầu chi tiêu khá cao, ngay cả mình cũng vậy. Càng ngày chúng ta càng bị cuốn theo "chủ nghĩa tiêu dùng". Có những hôm chỉ ngồi lướt MXH hay trang thương mại điện tử 15 phút là mình cũng đã đặt tới 5 đơn hàng. Thời buổi công nghệ 4.0 đồng nghĩa với việc tiêu tiền cũng dễ hơn, bạn chỉ cần ngồi bấm điện thoại vài ba phút cũng có khi bay ngay vài trăm nghìn tới hàng triệu đồng".
Văn Hùng (Ảnh: NVCC)
Với Hiền Anh, câu chuyện tự chủ tài chính sau khi ra trường là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tuy nhiên, cô bạn này cho rằng không cần phải áp lực về điều đó. "Mình nhận ra chúng ta cố gắng kiếm tiền, cố gắng tự lập, theo đuổi đam mê đều có 1 đích đến cuối cùng là tìm kiếm hạnh phúc. Do vậy, khi ra trường có người nghĩ muốn đi làm ngay kiếm tiền tự lập, có người chậm hơn một chút, đi trải nghiệm những điều khác trước cũng không có gì sai".