Với văn hóa Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc, tháng 7 âm lịch còn được gọi là "tháng cô hồn" hay "tháng ngâu". Trong tháng này, một số người quan niệm kém may mắn, do đó thường hạn chế mở rộng, khai trương, giao dịch lớn có giá trị.
Bởi vậy hoạt động giao dịch sản phẩm giá trị cao như bất động sản, căn hộ, ô tô thường rất ảm đạm. Nhà cung cấp, đại lý tung ra loạt chương trình ưu đãi, khuyến mại để kích cầu thị trường. Còn với thị trường chứng khoán diễn biến thường ra sao trong "tháng cô hồn"?
Thống kê trong 12 năm (2010 - 2021), tỷ suất bình quân của các chỉ số thị trường đều dương, phản ánh trạng thái giao dịch tích cực của kênh chứng khoán. Mức tăng mạnh nhất là UPCoM-Index với 1,62%, tiếp theo là HNX-Index (0,77%), VN-Index (0,35%), kém nhất là VN30-Index với 0,25%.
Nếu xét trong khoảng thời gian ngắn hơn, sắc xanh áp đảo và mức tăng còn cao hơn. Tỷ suất bình quân của VN-Index trong 5 năm gần đây là 1,93%, VN30-Index (2,16%), UPCoM (2,08%), tích cực nhất là HNX-Index (4,18%).
Như vậy, trái với suy nghĩ của nhiều người, "tháng cô hồn" dường như nghiêng phần thuận lợi với các nhà đầu tư chứng khoán. Xác suất thắng lợi khi xuống tiền mua cổ phiếu vào tháng này đang lớn hơn.
Trên sàn HOSE, VN-Index có số năm tăng giảm điểm cân bằng nhau. Tháng 7 âm lịch năm 2014 ghi nhận mức tăng mạnh nhất (6,18%) trong khi cùng thời điểm năm 2012 chứng kiến nhịp lao dốc mạnh khiến chỉ số mất đến 7,98%.
Những năm thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu vào tháng 7 âm lịch đều gắn liền với những sự kiện, biến cố lớn. Đơn cử, nhịp giảm sâu của chỉ số trong tháng 7 âm lịch năm 2012 do tác động từ sự kiện bắt ông Nguyễn Đức Kiên hay còn gọi "bầu" Kiên, phó Chủ tịch Ngân hàng ACB vào ngày 21/8/2012 (dương lịch). Đây cũng là thời điểm chứng khoán Việt Nam giao dịch ở vùng đáy sau cú lao dốc khiến thị trường chao đảo bắt đầu năm 2011.
Hai năm gần đây, VN-Index đều tăng điểm trong tháng 7 âm. Trong năm 2020 khi Việt Nam là một trong những quốc gia chống dịch COVID-19 thành công nhất khi đó, VN-Index đã có mức tăng đến 6,03%. Đà tăng của chỉ số được hỗ trợ bởi nhóm VN30 với mức tăng 6,04%. Khởi sắc hơn, HNX-Index tăng đến 9,27% trong khi tỷ suất thị trường UPCoM là 4,68%.
Sau năm khởi sắc 2020, rổ VN30 giao dịch kém sắc trong tháng 7 âm lịch năm ngoái với mức giảm 2,39%, kìm hãm đà tăng của VN-Index. Tương tự VN-Index, VN30-Index có số năm tăng giảm tương đương trong 10 năm được thống kê (2012 - 2021). Nhịp tăng mạnh nhất của nhóm VN30 xuất hiện trong tháng 7/2017 (7,08%), năm 2012 có mức giảm sâu nhất là 10,02% khi vừa mới ra mắt.
Sàn HNX giao dịch với biên độ rộng hơn nên sự biến động của chỉ số cũng có sự lớn hơn. Tháng 7/2014, chỉ số tăng điểm mạnh nhất (9,11%) và giảm sâu 15,57% vào năm 2012. Riêng trong giai đoạn 2014 - 2021, HNX -Index tăng điểm trong 6/8 năm. Hai năm gần đây nhất, chỉ số này giao dịch ấn tượng với mức tăng 6,2% và 9,27%.
Tích cực hơn hai sàn, thị trường UPCoM đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong tháng 7 âm lịch hàng năm. Kể từ năm 2010, chỉ số tăng điểm trong 7/12 năm. Năm 2021 đánh dấu mức tăng mạnh nhất của UPCoM-Index với 7,23%, nhỉnh hơn năm trước đó (4,68%).
Những thống kê trên đang nghiêng về trạng thái tích cực, tuy vậy, cần phải nói rằng ở mỗi thời điểm thị trường đều có tín hiệu riêng. Mọi thống kê lịch sử đều chỉ mang tính chất tham khảo. Bởi diễn biến giao dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dòng tiền, vĩ mô, sức khỏe doanh nghiệp hay những thông tin tích cực, tiêu cực.
Ở thời điểm hiện tại, những vấn đề vĩ mô được giới đầu tư đặc biệt quan tâm như việc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát của ngân hàng trung ương các quốc gia, biến động tỷ giá, giá dầu thô hay cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Phiên hôm qua (28/7), chứng khoán Việt Nam có phiên tăng điểm mạnh sau thông tin nâng lãi suất của Fed. Tâm lý nhà đầu tư được cởi trói đẩy VN-Index vượt 1.200 điểm. Cùng với đó, kết quả kinh doanh quý II của các công cũng là một sự kiện đáng chú ý.