Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) cho thấy doanh thu thuần đạt 929 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, phần lớn nhờ doanh thu từ hoạt động khai thác tàu.
Trong kỳ, biên lãi gộp cải thiện từ 31,4% quý II năm ngoái lên 46,7%. Ngoài chịu các chi phí hoạt động, chi phí lãi vay, HAH còn phải chi thêm gần 19 tỷ đồng để khắc phục tổn thất tàu, trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Kết quả, HAH lãi sau thuế 324 tỷ đồng, gấp 3,3 lần quý II/2021. Mức tăng này vượt xa so với mức HAH công bố trước đó (tăng khoảng 77%) và là mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước tới nay.
Giải thích về kết quả tăng nhiều lần so với cùng kỳ, HAH cho biết trong tháng 4, 5, công ty đã đầu tư thêm tàu HA East và HA West giúp tăng số lượng đội tàu. Song song đó, giá cước vận tải nội địa tăng, giá cho thuê tàu tăng mạnh so với cùng kỳ cũng là yếu tố hỗ trợ lợi nhuận cho HAH quý này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HAH đạt 1.581 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 587 tỷ, lần lượt tăng 95% và gấp 3,2 lần cùng kỳ. Với kết quả này, HAH đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và vượt 6% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau hai quý.
Nửa đầu năm, HAH ghi nhận tổng sản lượng hơn 480.000 TEU. Trong đó, khai thác cảng và tàu vẫn là mảng chủ lực. Hồi đầu tháng 4, doanh nghiệp này khai thác tàu Anbien Bay chuyến nội địa đầu tiên và tiếp nhận tàu container thứ 10 mang tên Haian City. Riêng tàu Haian City được bàn giao cho Công ty Samudera của Indonesia để tiếp tục hợp đồng thuê đã ký trước đó.
Gần đây, HAH đã mở thêm tuyến vận tải container nội Á Hải Phòng - Khâm Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Đây là tuyến vận tải biển thứ 2 Hải An mở để vận chuyển trực tiếp container sang Trung Quốc.
Trong nửa cuối năm, SSI Research dự đoán giá cước vận chuyển vẫn neo ở mức cao do các yếu tố hỗ trợ ngành vẫn còn mạnh mẽ.
Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ tạm thời giảm, nhưng vẫn ở mức cao với 1,54 triệu TEU hàng hóa.
Mặt khác, việc Thượng Hải mở cửa trở lại từ ngày 1/6 sau 2 tháng phong tỏa sẽ đặt ra thách thức với khả năng xử lý hàng của các cảng biển tại Mỹ, đặc biệt trong mùa cao điểm.
Thêm vào đó, các cuộc đàm phán của người lao động tại các cảng của Mỹ có thể tăng gián đoạn trong thời gian này. Do đó, bộ phận này dự kiến tình trạng tắc nghẽn tiếp tục kéo dài sang năm 2023 đến khi lượng hàng tồn đọng được giải phóng.
Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của HAH tăng hơn 1.100 tỷ so với đầu năm lên 4.335 tỷ, phần lớn đến từ mức tăng của tài sản cố định do đầu tư tàu.
Cuối quý II, lượng tiền, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới một năm là 780 tỷ, tăng 39% so với cùng kỳ.
Dư nợ đi vay của HAH tính đến cuối quý II là 1.176 tỷ đồng, tăng 43% so với đầu năm. Trong đó HAH nợ của CTCP Đầu tư Sao Á D.C là 76 tỷ đồng. Ngày 20/7, Đầu tư Sao Á D.C đã bán ra 2,49 triệu cổ phần HAH để giảm tỷ lệ từ 7,48% xuống 3,78% và chính thức là không còn cổ đông lớn của HAH.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 2.380 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 643 tỷ, quỹ đầu tư phát triển là 390 tỷ đồng.