Bố trí nhân lực hỗ trợ chủ phương tiện trước giờ “G”
Từ ngày 1/8/2022, tất cả các tuyến đường cao tốc trên toàn quốc gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hạ Long - Vân Đồn, Bắc Giang - Lạng Sơn, Liên Khương - Prenn, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ triển khai thu phí điện tử không dừng hoàn toàn.
Tổng cục ĐBVN cho biết đã yêu cầu các Nhà đầu tư, các bên liên quan, địa phương... chuẩn bị sẵn sàng cho triển khai thu phí không dừng điện tử hoàn toàn từ 1/8. Ảnh: minh họa
Tuy nhiên, trước khi chính thức áp dụng hoàn toàn, đã nảy sinh một số bất cập như lỗi thẻ, có tài khoản thu phí tự động dù không đăng ký trước đó, hay phương tiện sử dụng biển số giả để lưu thông qua trạm thu phí nên người chủ phương tiện thực sự bị trừ tiền trong tài khoản thẻ dù không lưu thông qua trạm...
Tổng cục Đường bộ VN cho biết, để đảm bảo công tác vận hành thu phí điện tử không dừng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc từ ngày 1/8, Tổng cục đã yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các Nhà đầu tư BOT, các địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện công tác tổ chức giao thông như hệ thống biển báo hiệu, vạch sơn...
Cùng đó có phương án xử lý các tình huống sự cố khi thực hiện thu phí không dừng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc; Tổ chức triển khai đồng bộ, kết nối, liên thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các trạm thu phí. Đến nay, các hạng mục công việc cơ bản bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Tổng cục cũng yêu cầu các Nhà cung cấp dịch vụ thu phí (VETC, VDTC) bố trí nhân sự trực tại tất cả các trạm thu phí trên tuyến cao tốc để kịp thời xử lý các lỗi kỹ thuật phát sinh; Phối hợp với đơn vị vận hành thu phí tăng cường công tác tuyên tuyền về nội dung, thời gian triển khai thực hiện thu phí hoàn toàn tự động.
Tăng cường công tác dán thẻ thu phí điện tử không dừng, bố trí các điểm dán thẻ, hỗ trợ cho chủ phương tiện có nhu cầu sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại đầu vào các trạm thu phí trên tuyến.
Tổng cục ĐBVN sẽ cử công chức thanh tra phối hợp với đơn vị vận hành thu phí và các cơ quan đơn vị liên quan để hỗ trợ xử lý các tình huống ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí.
Chấn chỉnh ngay hiện tượng kích hoạt thẻ “ảo”
Thời gian gần đây, một số nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội liên tục thông tin về tình trạng, nhiều chủ phương tiện dù không đăng ký dán thẻ thu phí không dừng ePass (dịch vụ thu phí ETC của công ty CP Giao thông số Việt Nam VDTC), qua kiểm tra lại nhận được thông báo đã mở tài khoản ePass.
Trong khi đó, chủ các phương tiện này đều khẳng định, mình chưa từng đăng ký dán thẻ và mở tài khoản ePass; Vì thế không dán được thẻ để đi vào đường cao tốc.
Tổng cục ĐBVN đã yêu cầu các Nhà cung cấp dịch vụ rà soát, chấn chỉnh ngay hiện tượng kích hoạt thẻ "ảo". Ảnh: minh họa
Trước hiện tượng kích hoạt thẻ “ảo” dẫn đến chủ phương tiện chưa được dán thẻ nhưng đã có tài khoản, nên không dán được thẻ này, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, do một số nguyên nhân như: Cộng tác viên của Nhà cung cấp dịch vụ thu phí chạy chỉ tiêu nên lấy thông tin để kích hoạt “khống” trên hệ thống; Do chủ phương tiện mua lại xe đã được chủ phương tiện trước dán nhưng bóc thẻ trước khi bán và không hủy tài khoản đã có; Chủ phương tiện đăng ký tài khoản từ lâu nhưng không nhớ…
“Với bất cập này, các Nhà cung cấp dịch vụ thu phí có trách nhiệm hỗ trợ chủ phương tiện xử lý, khắc phục để bảo đảm quyền lợi của chủ phương tiện theo quy định của pháp luật”, Tổng cục Đường bộ VN khẳng định.
Các số điện thoại đường dây nóng của các Nhà cung cấp dịch vụ để các chủ phương tiện gặp vấn đề về lỗi thẻ hoặc các vấn đề khác liên hệ để được xử lý: - Công ty VETC: 1900.6010 hoặc 098.628.1010 - Công ty VDTC: 1900.9080 hoặc 098.316.9188 |
Cơ quan này cũng cho biết, hôm nay (28/7), Tổng cục đã họp với các Nhà cung cấp dịch vụ thu phí để yêu cầu Nhà cung cấp dịch vụ chủ động rà soát, chấn chỉnh, không để xảy ra hiện tượng kích hoạt thẻ “ảo” trong thời gian tới.
Đồng thời đã thống nhất một các giải pháp xử lý. Các Nhà cung cấp dịch vụ chủ động rà soát, liên hệ với các chủ phương tiện đã dán thẻ lâu ngày, các trường hợp hay gặp sự cố về nhận diện thẻ để kiểm tra, xử lý kịp thời, bảo đảm phương tiện lưu thông thông suốt qua các trạm thu phí.
Cùng đó cung cấp các số điện thoại đường dây nóng của các Nhà cung cấp dịch vụ để các chủ phương tiện gặp vấn đề về lỗi thẻ hoặc các vấn đề khác liên hệ để được xử lý.
Đối với trường hợp có tài khoản ETC dù không đăng ký trước đó, chủ phương tiện cần liên hệ với Nhà cung cấp dịch vụ. Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm rà soát, kiểm tra và hướng dẫn chủ phương tiện hoàn thiện các công việc tiếp theo để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng.
Trường hợp chủ phương tiện không đồng ý tiếp tục sử dụng dịch vụ, muốn hủy tài khoản giao thông hiện có để chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ thì phải có bản cam kết chuyển đổi do chủ phương tiện (có giấy đăng ký và căn cước công dân) ký.
Trước đó, theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài hình thức hệ thống thu phí tại trạm đọc thẻ ePass dán trên xe bằng sóng radio, VDTC dùng thêm giải pháp nhận diện qua biển số xe làm phương án dự phòng. Nghĩa là khi xe qua trạm thu phí mà nhận diện bằng sóng radio giữa thẻ với hệ thống tại trạm bị gián đoạn thì nhận diện biển số để giao dịch. Giải pháp này đã bị xe sử dụng biển số giả hoặc dán làm thay đổi chữ số để đối phó với phạt nguội gây tình huống xe biển thật không qua trạm vẫn bị trừ tiền. Trước thực tế tính năng nhận diện biển số là phương án dự phòng đã bị xe biển giả gây ra các vụ trừ tiền xe không qua trạm trên, VDTC đã tắt tính năng nhận diện biển số khi giao dịch tại những tuyến đường có xảy ra tình trạng trên, tra soát để đảm bảo xe không dán thẻ thì không giao dịch. Công ty VDTC cho biết thẻ ETC dán trên xe biển số giả không đọc được nên đơn vị thu phí phải sử dụng hình thức kiểm tra biển số để trừ phí khi lưu thông qua làn thu phí không dừng ETC. Lúc này, số tiền sẽ trừ vào thẻ của chủ xe biển số thật. |