Ngày 19.4, ông Đỗ Thái Hòa, Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết trước khi vụ thuốc giả bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá, đơn vị chức năng của sở đã kiểm tra, phát hiện trên địa bàn có nhiều loại thuốc giả lưu hành.

Hiện trường một trong các xưởng sản xuất thuốc giả
ẢNH: PHÚC NGƯ
"Khi đơn vị chức năng của sở kiểm tra, xác định có nhiều loại thuốc giả được buôn bán, lưu hành, chúng tôi đã báo cáo các cấp, các ngành chức năng, trong đó có gửi thông tin đến Công an tỉnh Thanh Hóa để điều tra, làm rõ. Sau đó, đường dây sản xuất thuốc giả được triệt phá. Không chỉ vụ thuốc giả vừa rồi mà những năm trước, từ việc kiểm tra của ngành y tế cũng phát hiện các vụ sản xuất thuốc giả khác cũng đã được xử lý", ông Hòa nói.
Về trách nhiệm trong quản lý nhà nước đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh trên địa bàn, ông Hòa cho biết, thực hiện các chỉ đạo của cấp trên, Sở Y tế Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt việc kiểm tra, kiểm soát với tinh thần "không nương tay" với thuốc giả, góp phần đảm bảo quyền lợi của người dân.
Ông Hòa cho biết thêm, Sở Y tế Thanh Hóa đang rà soát các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh thuốc xem có phát hiện thuốc giả hay không.

Nghi phạm Trịnh Doãn Giáo cầm đầu đường dây sản xuất thuốc giả
ẢNH: PHÚC NGƯ
Trước đó, như Thanh Niên thông tin, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô rất lớn do Trịnh Doãn Giáo (40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) và Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi, ngụ tại chung cư Hapulico, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cùng cầm đầu.
Ngoài Giáo và Đạt, còn 12 nghi phạm khác tham gia đường dây sản xuất thuốc giả đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt giam để phục vụ điều tra.
Tiến hành khám xét khẩn cấp các xưởng sản xuất thuốc giả ở 6 tỉnh, thành phố, gồm: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp, Hà Nội và TP.HCM, cơ quan công an đã thu giữ gần 10 tấn thuốc giả, nguyên liệu, vật liệu làm thuốc giả. Bước đầu xác định đường dây sản xuất thuốc giả trên đã sản xuất 21 loại thuốc khác nhau chia thành nhóm thuốc tây y và đông y.