“Tôi tự hào vì con trai mình ra đi không vô ích. Thái đã ở lại với đời theo một cách thật đẹp” – chị Hà Thị Kim Cúc (41 tuổi, trú tại Tân Sơn, Phú Thọ) xúc động nói bên lề chương trình khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí và tri ân gia đình người hiến tạng chết não cứu người tại tỉnh Phú Thọ, ngày 19/4.
Vợ chồng chị Cúc lấy nhau hơn 4 năm mới có tin vui. Hà Duy Thái ra đời năm 2007 trong niềm hạnh phúc vỡ òa của đại gia đình. Là con một, Thái được cả nhà yêu thương, bao bọc. Khác với suy nghĩ nhiều người, cậu bé không ỷ lại mà sống rất tình cảm và độc lập.
Từ nhỏ biết phụ mẹ việc nhà, lớn lên càng chăm ngoan, học giỏi. “Thái thương bố mẹ lắm. Nhà nghèo, con không xin đồ chơi, không đòi quần áo đẹp”, chị Cúc nghẹn giọng.
Một trong những ký ức không thể phai trong chị là lần hai mẹ con cùng xem chương trình truyền hình về hiến tạng cứu người. Khi đó Thái đang học cấp 2. Thái im lặng hồi lâu, rồi quay sang hỏi: “Mẹ ơi, nếu con không may mất, con có thể hiến tạng như họ được không? Con muốn giúp người khác được sống”.

Chị Cúc chia sẻ về câu chuyện nhân văn của gia đình, ngày 19/4. (Ảnh: Như Loan)
Câu hỏi khiến chị lặng người. Khi ấy, chị chỉ nghĩ con cảm động nhất thời nên xoa đầu con bảo “chuyện đó xa lắm, còn sống thì cứ sống cho trọn vẹn đã”. Nhưng chị không biết, câu nói ấy đã in sâu trong tâm trí cậu bé.
Giữa năm 2024, tai họa ập đến như một cơn ác mộng. Trên đường từ nơi làm về nhà, Thái bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, chấn thương sọ não nặng.
5 ngày trong viện, chị Cúc gần như không rời khỏi giường bệnh của con. Do tình trạng tổn thương quá nặng, dù đã được phẫu thuật cấp cứu và thực hiện các biện pháp hồi sức chuyên sâu vẫn không có kỳ tích xảy ra.
Sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tư vấn cho gia đình về việc hiến tạng để cứu được nhiều người. Cũng lúc này, chị nhớ đến câu nói năm nào. Nhớ ánh mắt của con khi nói về chuyện “sống tiếp trong cơ thể người khác”. Chị Cúc gật đầu đồng ý ký vào phiếu đồng ý hiến tạng con.
Quyết định là thế, nhưng thực hiện lại không hề dễ dàng. Tin chị muốn hiến tạng con trai nhanh chóng lan ra. Người thì khóc lóc can ngăn, người trách chị “nhẫn tâm”, có người còn nói: “Chết rồi thì để nguyên xác, cắt xẻ ra là tội lỗi”. Có người xì xào “có khi được người ta trả tiền tỷ mới cho hiến thế”.
“Có những lúc tôi tưởng mình không gượng nổi, vừa mất con, vừa bị mắng là tham tiền, là thất đức. Nhưng tôi chỉ biết giữ lấy cái tâm, nếu con còn sống, con sẽ muốn cứu người", chị nghẹn giọng.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết, gan, thận và trái tim của Thái được phẫu thuật lấy ra ngay trong đêm. 4 bệnh nhân đang cận kề cái chết được hồi sinh.
Em bé 11 tuổi từng phải sống nhờ máy trợ tim, sau khi được ghép tim của Thái đã tỉnh lại và khóc. Một người đàn ông suy thận giai đoạn cuối nay đã khỏe mạnh trở lại, có thể sinh hoạt bình thường. Những người còn lại trước đó vốn phải sống phụ thuộc vào máy móc nay đã có thể sống đời bình thường như bao người.

Thận của Thái được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: BVCC)
Các gia đình được ghép tạng lần lượt tìm về Tân Sơn, cúi đầu thắp nén hương trước bàn thờ của Thái. Không ai nói điều gì nhiều, chỉ rưng rưng nhìn chị và hứa sẽ sống xứng đáng, sống thay phần người đã mất. Còn chị Cúc, chỉ im lặng nắm tay họ như nắm lấy một phần con trai mình còn sống trong thế gian này.
Dị nghị trong làng vẫn còn. Người đàm tiếu vẫn chưa dừng nhưng chị Cúc không bận tâm nữa. “Con tôi đã sống tử tế. Ra đi rồi, cháu vẫn tử tế. Làm mẹ, tôi chỉ cần thế thôi”, chị nói.
Hôm nay, trong buổi và tri ân gia đình người hiến tạng chết não cứu người, chị Cúc thay mặt gia đình lên nhận giấy khen của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam truy tặng Thái đã có nghĩa cử cao đẹp. Người mẹ ấy không mong cầu gì nhiều, chỉ mong Thái thanh thản, và những phần cơ thể con để lại sẽ tiếp tục làm điều tốt đẹp.
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2024 cả nước đã ghi nhận 41 ca hiến tạng sau chết não, tăng 173% so với tổng ba năm trước cộng lại (2021-2023). Trong đó, tại tỉnh Phú Thọ, có 5 trường hợp hiến đa tạng sau chết não, và mỗi ca hiến trao tặng ít nhất 8 "món quà sự sống", bao gồm tim, gan, hai thận, tụy, phổi và hai giác mạc cho người bệnh đang cần. Những món quà sự sống ấy đã góp phần cứu sống khoảng 40 người bệnh đang cận kề lằn ranh sinh tử.